Thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 bước đầu thành công

(PLVN) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa chủ trì cuộc họp nghe lãnh đạo Bộ Y tế, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng)... báo cáo về tiến độ thử nghiệm vaccine Nano Covax do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu sản xuất.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết Nano Covax là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam được cấp phép tiêm thử nghiệm trên người. Quá trình thử nghiệm sẽ trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ tiêm trên 60 người được chia làm 3 nhóm với 3 liều tiêm khác nhau (25 mcg- 50mcg-75mcg). Mục tiêu của giai đoạn 1 là đánh giá tính an toàn của vaccine.

Giai đoạn 2 sẽ tiêm sau khi giai đoạn 1 tiến hành an toàn, thành công, tiêm trên 400-600 người để xác định liều tiêm tối ưu. Giai đoạn 3 sẽ tiêm trên ít nhất 1.500-3.000 người, có thể mở rộng ra 10.000 - 30.000 người. Mục tiêu của giai đoạn 3 là phải đánh giá được tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực của vaccine.

Bộ Y tế đã tạo mọi điều kiện tối đa để rút ngắn thời gian thực hiện các giai đoạn thử nghiệm so với điều kiện bình thường nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các bước, an toàn, khoa học.

Đến thời điểm hiện tại, sau hơn 72 giờ tiêm cho 3 tình nguyện viên đầu tiên, các chỉ số cho thấy vaccine an toàn với người. Đồng thời, qua quá trình rà soát hồ sơ, kết quả tiền lâm sàng tiêm trên chuột, khỉ, các chuyên gia hy vọng sau khi tiến hành giai đoạn 2, giai đoạn 3, tính sinh miễn dịch của vaccine sẽ được đánh giá đầy đủ và đáp ứng được yêu cầu.

Qua các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế, Bộ KH&CN, Học viện Quân y cũng như của các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa Covid-19 tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng yêu cầu việc triển khai các giai đoạn thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 phải được tiếp tục với tinh thần tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ Y tế, an toàn nhưng phải khẩn trương: “Nếu thử nghiệm thành công đây không chỉ là niềm tự hào của giới khoa học sức khỏe hay của ngành Y tế mà thực sự là một công cụ phòng chống dịch hữu hiệu”.

Từ kinh nghiệm sản xuất các bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, ông Đam đề nghị đơn vị nghiên cứu, sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước cần bàn bạc, thảo luận kỹ trên tinh thần khoa học, cầu thị và “chạy đua với thời gian”; đồng thời cần tiếp tục chuẩn bị điều kiện cần thiết cho các bước tiếp theo khi thử nghiệm thành công cũng như cần tính đến cả trường hợp tốt lẫn tình huống xấu.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế tiếp tục liên hệ với các đối tác để có vaccine ngừa Covid-19 sớm nhất theo phương án mua hoặc sản xuất trong nước. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết hiện nay giá bán vaccine trên thế giới rất cao, nguồn cung còn hạn chế nên việc đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước là rất cần thiết.

Ông Đam nhấn mạnh: Vaccine vẫn là câu chuyện của tương lai. Ngay bây giờ chúng ta vẫn phải hết sức chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch đã làm từ trước đến nay. Với sự nỗ lực của toàn thể nhân dân và xã hội, của cả lực lượng y tế và các lực lượng chức năng, dưới sự lãnh đạo điều hành của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp đến bây giờ, chúng ta có một thành quả chống dịch rất tốt; trước hết phải tiếp tục duy trì và bảo vệ thành quả này.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ KH&CN chủ trì, Học viện Quân y phối hợp với Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam) xây dựng đề án phát triển trung tâm nghiên cứu phát triển vaccine phòng chống các dịch bệnh mới nổi. Trong đó, có hạng mục là có xây dựng phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3 trở lên. Những trung tâm nghiên cứu này cùng với các viện nghiên cứu của Bộ Y tế sẽ hình thành mạng lưới sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh mới cũng như thảm họa liên quan đến sức khỏe con người trong tương lai.

Trước đó, Phó Thủ tướng cũng đã thăm hỏi, động viên và gửi lời cám ơn sâu sắc đến 3 tình nguyện viên đầu tiên đã tiêm thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất để góp phần ngăn chặn đại dịch Covid-19. Hiện tại cả 3 người, gồm 2 người đang là sinh viên (20 tuổi) và 1 là giáo viên (40 tuổi), đều có sức khỏe ổn định, không có phản ứng bất thường. Khi hết 72 giờ theo dõi sau tiêm tại Học viện Quân y thì họ trở về nơi ở để học tập, sinh hoạt bình thường và tiếp tục được theo dõi sức khỏe bởi các y bác sĩ.

Ngày 21/12, Học viện Quân y tiếp tục tiêm thử nghiệm cho những tình nguyện viên còn lại tham gia giai đoạn 1 (gần 60 người, độ tuổi 18-50).

Đọc thêm