Thủ tướng yêu cầu quản lý chặt giá thuốc

(PLO) - Giá thuốc hiện rất cao, càng đấu thầu càng lên cao, suy cho cùng thì người bệnh phải chịu nên quản lý giá thuốc như thế nào là vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải được làm rõ khi Chính phủ thảo luận về Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sáng qua (21/3).
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Không tạo cớ cho giá thuốc tăng tự do
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện thuốc nào cũng phải quản lý giá, thậm chí phải dùng “mệnh lệnh áp giá” trong khi ở nhiều nước chỉ quản lý các thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế còn các loại khác thì theo giá thị trường. Không những thế, thực tế đã có hiện tượng “lobby” để “đưa các thuốc đắt tiền vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế” và “tôi đã phải đình lại vì đưa vào thì Quỹ không có khả năng chi trả” - người đứng đầu ngành Y tế cho biết.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, quản lý giá thuốc đang có nhiều vấn đề, là câu chuyện dài, nhức nhối tầm quốc gia để bảo vệ quyền lợi người bệnh trước sức ép của các nhà sản xuất, phân phối thuốc nên quản lý thuốc phải “không tạo cớ cho giá thuốc tăng tự do”. 
Vì vậy, sau 8 năm thực hiện  quản lý giá thuốc, Bộ Y tế đề xuất giá thuốc phải do Bộ Tài chính quản lý để phù hợp với trách nhiệm của Bộ này theo luật hiện hành đối với giá sản phẩm, cũng như tránh cho Bộ Y tế “vừa đá bóng, vừa thổi còi” về giá thuốc. 
Song, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng “từ chối” mà chỉ đồng tình giao Bộ Y tế quản lý giá thuốc có sự phối hợp của các cơ quan liên quan bởi Bộ quản lý chuyên ngành thì mới có đủ khả năng quản lý được giá sản phẩm.
Hạn chế phụ thuộc vào thuốc nhập khẩu
Chỉ ra những bất cập dẫn đến tình trạng “bất lực” trong quản lý giá thuốc thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng: “Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hình thành giá thuốc, trong đó yếu tố quan trọng là cung - cầu và tổ chức phân phối sản phẩm (thuốc). Đây là gốc của vấn đề nên cần quản lý từ yếu tố này để các kênh phân phối không làm giá sản phẩm như kinh nghiệm quản lý giá xăng dầu, xi măng, phân bón…”. 
Thủ tướng Chính phủ cũng trăn trở: “Ngành công nghiệp dược phải là ngành quan trọng. Gốc vấn đề là vẫn đang phải nhập thuốc. Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nhiều loại thuốc nhưng chưa làm được. Gần trăm triệu dân mà chưa sản xuất được kháng sinh nên cần khuyến khích xã hội hóa phát triển ngành công nghiệp dược, chứ không thể chỉ chờ Nhà nước đầu tư”. 
Do đó, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp dược cũng là giải pháp quan trọng được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập để hạn chế sự lệ thuộc vào nguồn thuốc nhập khẩu và giá thuốc không có cơ hội bị thao túng bởi các nhà phân phối, nhất là đối với những loại biệt dược. 
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ Tài chính và Y tế “tiếp tục ngồi lại với nhau để thống nhất về vấn đề quản lý thuốc với cơ chế hiệu quả theo hướng Bộ Tài chính ban hành nguyên tắc, thẩm định giá thuốc, còn Bộ Y tế sẽ ban hành các giá cụ thể”. Cùng với đó, xem xét việc thành lập Hội đồng quốc gia về giá thuốc để quản lý theo cơ chế liên ngành như đề xuất của Bộ Y tế.

Đọc thêm