Thuyên tắc mạch ối là tai biến sản khoa nguy hiểm ra sao?

(PLVN) - “Thuyên tắc mạch ối là một tình huống xảy ra rất đột ngột không báo trước và không thể dự phòng trước. Chính vì xảy ra đột ngột nên tỷ lệ tử vong rất cao, theo thống kê khoảng 80% phụ nữ tử vong khi mắc tai biến này”, ThS.BS Lưu Quốc Khải, nguyên Trưởng khoa đẻ A2 - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây, tại BV Đa khoa huyện Chương Mỹ đã xảy ra vụ việc tai biến sản khoa khiến thai phụ mang thai 36 tuần tuổi tử vong. Thai phụ này có tiền sử nhau tiền đạo. Thai phụ vào viện chờ tới ngày sinh thì đột ngột vỡ ối và xỉu trên giường bệnh. Dù cấp cứu nhưng thai phụ đã tử vong. Nguyên nhân tử vong được nghi ngờ có thể thuyên tắc mạch ối.

Theo ThS.BS Lưu Quốc Khải, nguyên Trưởng khoa đẻ A2 - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: “Thuyên tắc mạch ối có thể hiểu là thành phần của nước ối của thai nhi bằng cách nào đó nó chui vào động mạch của người mẹ”.

Đặc biệt, đây là tai biến cực kỳ nguy hiểm trong sản khoa, tuy nhiên rất may tỷ lệ sản phụ gặp rất thấp. Theo thống kê tỷ lệ 8.000 - 80.000 ca đẻ mới gặp một trường hợp.

“Thuyên tắc mạch ối là một tình huống xảy ra rất đột ngột không báo trước và không thể dự phòng trước. Chính vì xảy ra đột ngột nên tỷ lệ tử vong rất cao, theo thống kê khoảng 80% phụ nữ tử vong khi mắc tai biến này. Nếu trường hợp trải qua được thì quá trình cứu chữa rất gian nan và để lại rất nhiều di chứng”, bác sĩ Khải cho biết.

Cũng theo bác sĩ Khải, trong trường hợp thai phụ được cứu sống có thể để lại nhiều di chứng nặng nề về tinh thần, nội tiết cho người mẹ sau này như: rối loạn tâm thần, hội chứng băng huyết sau sinh…

ThS.BS Lưu Quốc Khải, nguyên Trưởng khoa đẻ A2 - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hiện tại đang giữ vị trí Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn kiêm Trưởng khoa Sản – Nhi, Bệnh viện ĐKQT Bắc Hà.
 ThS.BS Lưu Quốc Khải, nguyên Trưởng khoa đẻ A2 - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hiện tại đang giữ vị trí Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn kiêm Trưởng khoa Sản – Nhi, Bệnh viện ĐKQT Bắc Hà.

Biểu hiện đầu tiên của người mẹ khi bị thuyên tắc mạch ối là bị suy hô hấp sau đó đến suy tuần hoàn tiếp theo đó là phù phổi cấp, rối loạn đông máu… Do đó, theo bác sĩ Khải việc xử lý gặp các chuỗi như vậy vừa do nội khoa, ngoại khoa phải kết hợp rất ăn ý, cơ sở hồi sức phải rất hiện đại mới có thể cứu được thai phụ và cũng tùy mức độ nặng nhẹ tình trạng thuyên tắc mạch ối để cứu sống thai phụ.

“Đối với thai nhi tùy theo tình huống xảy ra tai biến, nếu tắc mạch ối xảy ra khi đang bắt đầu chuyển dạ mà xảy ra thuyên tắc mạch ối thì có tới 10-12% tắc mạch ối xảy ra khi bào ối vẫn còn, lúc đó cơ hội em bé ra đời kịp thời rất khó nếu không phải nơi đó có cơ sở kỹ thuật hiện đại thực hiện mổ lấy thai ngay lúc đó thì tỷ lệ cứu sống em bé gần như bằng 0”, bác sĩ Khải nhấn mạnh.

Thuyên tắc mạch ối là tình huống xảy ra đột ngột, không thể dự phòng do đó, bác sĩ Khải khuyến cáo chị em phụ nữ khi có ý định sinh con cần lưu ý không nên đẻ nhiều, và khi ở độ tuổi đã cao. Khi có thai duy trì khám thai đều đặn. Khi gặp những yếu tố nguy cơ như tiền sản giật, rau tiền đạo hoặc những bệnh lý khác nên đến những chuyên khoa nơi có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn để sinh đẻ.

“Chúng tôi không khuyến khích các thai phụ tập trung lên các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương để đăng ký sinh, nhưng quan trọng nhất là thai phụ phải được theo dõi và xử lý đúng tình huống khẩn cấp”, bác sĩ Khải khuyến cáo.

Đọc thêm