Tổng kết Dự án Tầm soát và quản lý gene bệnh Thalassemia năm 2017 và kế hoạch 2018

(PLO) - Được sự đồng ý của UBND tỉnh Hòa Bình, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC mới đây đã phối hợp với Viện Huyết học Truyền máu TW, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Chi cục Dân số tỉnh Hòa Bình và đại diện 11 huyện trong tỉnh tổ chức tổng kết năm 2017 và kế hoạch 2018 Dự án Tầm soát và quản lý gene bệnh Thalassemia trong cộng đồng tỉnh Hòa Bình, trong khuôn viên Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Tham dự chương trình, về phía tỉnh Hòa Bình có đồng chí Bùi Văn Cửu - Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hòa Bình; Trưởng ban chỉ đạo công tác dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh; đồng chí Quách Thế Tản – Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch TW Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh; đồng chí Lê Xuân Hoàng – Phó Giám đốc Sở Y tế - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cùng nhiều đồng chí lãnh đạo đại diện Sở Tài chính, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông...

Về phía Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC có GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí – nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TW, Chủ tịch Hội Thalassemia Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC; đồng chí Phạm Hữu Thưởng – Phó Tổng Giám đốc Công ty MEDLATEC.

Đồng hành cùng chương trình còn có sự tham gia và hỗ trợ đắc lực của Trung tâm Thalassemia – Viện Huyết học Truyền máu TW, đại diện là TS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm. Đây là đơn vị trực tiếp thăm khám, phân tích kết quả xét nghiệm và tư vấn cho những người có nghi ngờ mang gene bệnh Thalassemia cũng như cho nhóm những người bị thiếu máu, thiếu sắt thường gặp trong một số biểu hiện của bệnh thiếu máu, suy dinh dưỡng, kể cả nhóm bệnh nhân có ferritin tăng cần theo dõi để tìm nguyên nhân cụ thể. 

Phát biểu tại buổi lễ, GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí tự hào chia sẻ: Dù khoảng thời gian rất ngắn (Dự án "Tầm soát và quản lý nguồn Gen bệnh Thalassemia trong cộng đồng tỉnh Hòa Bình" mới được triển khai từ Quý IV/2017) nhưng chúng ta đã hoàn thành được một khối lượng công việc khổng lồ với những kết quả rất đáng khích lệ. Qua quá trình triển khai, Dự án đã phát hiện được khoảng gần 45% các trường hợp có bất thường về các xét nghiệm vòng đầu, trong đó khoảng 37% có khả năng mang gene bệnh Thalassemia. Con số thật đáng lo ngại về số người mang gene bệnh, nhưng lại rất đáng quý về sự đóng góp vào cuộc chiến chống lại căn bệnh Thalassemia quái ác!

Là một nhà khoa học, với nhiều đề tài nghiên cứu về căn bệnh Thalassemia, có nhiều năm "lăn lộn" với “quả bom” Thalassemia thì qua 3 tháng triển khai thực địa tại Hòa Bình, GS Nguyễn Anh Trí cùng toàn bộ dự án đã rút ra những kinh nghiệm quý báu về sự phối hợp, về cách thức làm việc. Có thể nói: “Phải về với cộng đồng và phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, với tình cảm sâu sắc với nhân dân thì hiệu quả sẽ cao hơn, kết quả sẽ tốt hơn!”

GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí phát biểu tại buổi lễ
GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí phát biểu tại buổi lễ

Cách làm này đã thực sự khác biệt so với hình thức khám chữa bệnh thông thường (bệnh nhân có bệnh, nghi ngờ nhiễm bệnh thì mới đến viện để khám và cứu chữa. Lúc này đến bệnh viện chỉ là để chữa bệnh, giải quyết hậu quả do bệnh mang lại); nó cũng khác rất nhiều so với các cuộc điều tra dịch tễ, khảo sát địa bàn dân cư về tình trạng bệnh Thalassemia mà không thật sự đem lại hiệu quả bởi không giúp nhân dân chủ động phòng ngừa và được tuyên truyền về bệnh)

Với cách làm việc này thì GS Trí tin rằng, toàn bộ Dự án sẽ làm tốt hơn ở giai đoạn 2. Không chỉ vậy, Dự án sẽ thành công ở Hòa Bình và trở thành mô hình tiêu biểu trong cuộc chiến chống lại Thalassemia để nhân rộng địa bàn triển khai ra toàn quốc.

TS Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Thalassemia tư vấn cho những người nghi ngờ mang gene bệnh
TS Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Thalassemia tư vấn cho những người nghi ngờ mang gene bệnh

Theo kế hoạch ban đầu thống nhất giữa Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và Bệnh viện đa khoa MEDLATEC, toàn bộ danh sách những người nghi ngờ mang gene bệnh của giai đoạn 1 năm 2017 sẽ được MEDLATEC chuyển giao cho Sở Y tế Hòa Bình tiếp quản. Từ đó, trong giai đoạn 2018 và các năm tiếp theo, Sở Y tế sẽ là đơn vị đầu mối để triển khai các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh Thalassemia, đồng thời bố trí nguồn kinh phí của tỉnh để từng bước nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh và có chính sách hỗ trợ người bệnh.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí và đại diện MEDLATEC trao bộ tài liệu tuyên truyền phòng chống bệnh Thalasemia cho tỉnh Hòa Bình
Giáo sư Nguyễn Anh Trí và đại diện MEDLATEC trao bộ tài liệu tuyên truyền phòng chống bệnh Thalasemia cho tỉnh Hòa Bình

Năm 2018, MEDLATEC tiếp tục cam kết tài trợ dự án với nguồn kinh phí là 1 tỷ và sẽ làm cho đối tượng là học sinh các trường trung học phổ thông tại một số huyện ở Hòa Bình – đặc biệt là học sinh lớp 12, học sinh trong gia đình có người mắc bệnh hoặc mang gene bệnh, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 

Phát biểu kết luận buổi lễ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Cửu trân trọng những thành tích và đóng góp mà MEDLATEC đã dành cho nhân dân Hòa Bình suốt thời gian qua. Phó Chủ tịch tỉnh cũng thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng bộ, các sở, ban, ngành tại địa phương trong việc chung tay chống lại căn bệnh Thalassemia. Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch chỉ đạo cho tất cả các sở, ban, ngành, trong đó có Sở Tài chính, Sở Kế hoạch & Đầu tư… cùng lên phương án để sớm đưa Dự án vào báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ năm 2018 về việc thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình.

Đồng thời, thay mặt nhân dân toàn tỉnh, Phó Chủ tịch cam kết quyết tâm đồng hành cùng người dân trong cuộc chiến chống lại bệnh Thalassemia. Bởi theo ông, giảm thiểu số lượng bệnh nhân Thalassemia, gia tăng tuổi thọ trung bình của người dân trong tỉnh đạt mức bình quân của cả nước là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu của tỉnh Hòa Bình trong phương hướng và nhiệm vụ của tỉnh từ nay đến năm 2020. 

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bùi Văn Cửu tại buổi lễ
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bùi Văn Cửu tại buổi lễ

Chốt lời phát biểu của mình, một lần nữa Phó Chủ tịch Bùi Văn Cửu bày tỏ lòng cảm ơn đối với GS Nguyễn Anh Trí đã dành tâm huyết, thời gian của mình cho nhân dân, cho tỉnh Hòa Bình cũng như cảm ơn Viện Huyết học Truyền máu TW, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC vì đã “thức tỉnh” hệ thống y tế của Hòa Bình về căn bệnh Thalassemia để không phải tốn quá nhiều tiền chữa bệnh, để ngăn chặn “quả bom” tiếp tục nổ.

Đọc thêm