Trẻ còi cọc, kém thông minh do di truyền hay “tay” nuôi kém?

(PLO) - Nếu nghĩ rằng người mẹ nào  cũng lấy việc nấu nướng cho con ăn ngon miệng, đủ chất là hạnh phúc thì rất nhầm lẫn. 
Ở Việt Nam chỉ khoảng 52% trẻ dưới 2 tuổi được chăm sóc và ăn bổ sung đúng cách (Ảnh minh họa).
Ở Việt Nam chỉ khoảng 52% trẻ dưới 2 tuổi được chăm sóc và ăn bổ sung đúng cách (Ảnh minh họa).

Ở Việt Nam chỉ khoảng 52% trẻ dưới 2 tuổi được chăm sóc và ăn bổ sung đúng cách. Còn lại trẻ được ăn theo chế độ  hoặc “nhồi nhét”, hoặc chỉ thiên về những món trẻ thích dẫn đến tình trạng thừa chất này nhưng lại thiếu chất kia. 

Gà rán, khoai tây chiên thay cơm

Thanh Thúy là một bà mẹ 30 tuổi, có con trai 5 tuổi. Xưa nay, Thanh Thúy vốn đã rất lười nấu ăn, thế nên khi chồng nhận quyết định đi biệt phái địa phương, cuối tuần mới về một lần thì cô càng lười nấu hơn vì nhà còn có hai người. Ban ngày, hai mẹ con người ăn cơm trường, người ăn ở cơ quan. Tối về biết con trai thích ăn gà rán KFC, trên đường đi làm về cô ghé mua, còn bản thân thì nấu gói mỳ. Tuần có 5 tối/ngày thường thì 3 tối con trai Thanh Thúy ăn gà rán, khoai tây chiên thay cơm.

Khác với Thanh Thúy, Minh Anh là tuýp phụ nữ rất thích vào bếp nấu món nọ, món kia cho con ăn. Nhưng khổ nỗi con gái học lớp 1 của Minh Anh lại lười ăn có hạng. Bé rất lười nhai cơm mà chỉ thích ăn cháo gà. Xót thân hình còm nhom của con và cũng để con dễ ăn, Minh Anh cho con ăn cháo gà triền miên, tuy rằng cô cũng cố gắng trổ tài để làm nhiều món cháo gà khác nhau như hầm, xé phay…

Làm việc ở ngân hàng nên Thúy Phương thường về nhà rất muộn, thêm vào đó tính ngại dậy sớm đi chợ chế biến đồ ăn tươi cho con nên Thúy Phương cho cậu con trai 8 tháng ăn dặm bằng đồ đông lạnh.

Cứ cuối tuần Thúy Phương đi chợ mua su hào, cà rốt, hành tây rửa rồi luộc lên lấy nước cấp đông trong những khay như khay đá. Bã thì nghiền, cũng bỏ khay cấp đông. Nước luộc gà cũng vậy, đun lên với gạo thành cháo rồi cấp đông luôn cả cháo. Thịt bò, lợn, gà, cá chế biến sẵn rồi cũng cấp đông. Đến bữa người giúp việc ở nhà chỉ việc lấy từng phần cháo, rau, thịt ra xả đông rồi hâm lên cho bé ăn. Cứ thế ăn cả 6 ngày, đến chủ nhật Thúy Phương mới cho con ăn món tươi.

Trẻ em Việt Nam thiếu vitamin E nghiêm trọng  

Hơn 50% trẻ em Việt Nam thiếu hụt các vi chất như vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn hàng ngày. Con số này cao hơn so với 3 nước khác cùng trong nghiên cứu là Maylaysia, Thái Lan và Indonesia. Đây là kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á công bố ngày 2/3/2013 được nghiên cứu tại Việt Nam do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện trên gần 2.900 trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi. 

Điều đó cho thấy bữa ăn thông thường chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ đang trong giai đoạn phát triển rất nhanh. Ở Việt Nam chỉ khoảng 52% trẻ dưới 2 tuổi được chăm sóc và ăn bổ sung đúng cách. Còn lại trẻ được ăn theo chế độ  hoặc “nhồi nhét”, hoặc chỉ thiên về những món trẻ thích dẫn đến tình trạng thừa chất này nhưng lại thiếu chất kia. 

Đặc biệt, mới đây, kết luận từ một nghiên cứu rà soát hệ thống đầu tiên trên toàn cầu thực hiện việc rà soát hơn 176 báo cáo về hàm lượng vitamin E và nồng độ huyết thanh với tổng số 249.637 người tham gia tại 46 quốc gia do Trường Đại học Heidelberg (Đức) thực hiện đã cho thấy trẻ em Việt Nam thiếu vitamin E nghiêm trọng nhất thế giới. Nồng độ vitamin E trong máu ở nhóm trẻ dưới 12 tuổi của Việt Nam xếp vào hàng thấp nhất trong khu vực và toàn thế giới. 

Thiếu hụt vitamin E sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch, chức năng não bộ, tăng nguy cơ tim mạch và nhiều loại bệnh ung thư. Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa International Journal for Vitamin and Nutrition Research cho thấy, hàm lượng vitamin E tại Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong các quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Trẻ em Việt Nam dưới 12 tuổi có nồng độ vitamin E trong máu dưới 12µmol/L – là mức thiếu hụt.

Lời khuyên của chuyên gia

Theo bác sĩ Lưu Ngân Tâm - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Lâm sàng TP HCM, vitamin E là vi chất dinh dưỡng thiết yếu giúp bảo vệ các màng tế bào khỏi tác hại của quá trình oxy hóa và các acid béo chưa no. Việc cung cấp vitamin E đầy đủ sẽ giúp cơ thể duy trì khả năng miễn dịch, chức năng nhận thức và sức khỏe tim mạch, đồng thời hỗ trợ chức năng của gan và phòng nhiều loài bệnh ung thư, đặc biệt làm giảm tác hại của ô nhiễm không khí đối với cơ thể.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra, tại Việt Nam không chỉ hầu hết trẻ em đang ở độ tuổi đi học bị thiếu hụt vitamin E mà nhiều người trưởng thành cũng trong tình trạng tương tự. Ở nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thiếu hụt vitamin E thông thường là do các bữa ăn hàng ngày không cung cấp đủ lượng vitamin E. Thực trạng trên là do sự thay đổi trong thói quen ăn uống của con người trong cuộc sống hiện đại. Hầu hết người Việt thường không nhận đủ vitamin E do chế độ ăn thường nhiều tinh bột, ít ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, vi chất dinh dưỡng.

Cũng theo bác sĩ Lưu Ngân Tâm, không chỉ vitamin E, trẻ em thuộc khu vực nông thôn, miền núi Việt Nam còn bị thiếu hụt các vi chất quan trọng khác như vitamin A, sắt, kẽm, iốt, và axit folic. Sự thiếu hiểu biết của bậc cha mẹ về dinh dưỡng cũng làm trẻ em thiếu hụt vi chất. Ví dụ điển hình là người ta chỉ chú ý đến canxi mà “quên“ đi các chất Vitamin D, magie, kẽm cũng ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ cho nên nhiều gia đình cho con uống rất nhiều sữa mà vẫn không cao. Hay để cho trẻ em phát triển trí não được tốt thì ngoài bổ sung i-ốt, sắt thì rất cần thiết phải cung cấp các acid béo không no như DHA (omega3) và omega 6, nhưng ít bậc cha mẹ biết điều đó...

Đọc thêm