Trẻ sơ sinh tăng vọt sau đại dịch

(PLVN) - 10 tháng kể từ khi Covid-19 bùng phát, số trẻ sơ sinh và thai nhi tăng cao do nhiều người giãn cách xã hội mà không có biện pháp tránh thai.
Trẻ sơ sinh tăng vọt sau đại dịch

Tháng 3, Melody Fernandez chỉ có một kế hoạch lớn, đó là nghỉ phép tại chuỗi nhà hàng bán đồ ăn nhanh. Cô bắt chuyến xe buýt kéo dài 8 tiếng từ nơi làm việc tại Manila, đến Camarines Sur, tỉnh mà em gái cô sống, để được nghỉ ngơi. Ngay sau đó, đất nước bị phong tỏa.

"Tôi đã được nghỉ, và giờ thì đang có một em bé", cô gái 22 tuổi nói.

Thay đổi môi trường cho cô cơ hội kết bạn và có thêm nhiều mối quan hệ, bất chấp lệnh giãn cách xã hội. Tháng 6, cô có thai với người bạn trai mới. "Tôi không mong đợi điều này", cô chia sẻ. Đây là lần đầu cô làm mẹ.

Fernandez là một trong hàng triệu phụ nữ Philippines dự kiến sinh con trong năm nay và năm sau. Theo Học viện Dân số Philippines (UPPI) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), nước này sẽ có thêm 2,5 triệu ca mang thai ngoài ý muốn vào cuối năm, tăng 42% so với năm ngoái.

"Bản thân những con số này cũng như đại dịch", Aimee Santos, trưởng bộ phận Giới tính tại UNFPA, cho biết trong phiên điều trần của Thượng viện vào tháng 9.

Một sản phụ người Philippines nhận biện pháp tránh thai ở tổ chức Likhaan. Ảnh: Handout

Một sản phụ người Philippines nhận biện pháp tránh thai ở tổ chức Likhaan. Ảnh: Handout

Ngay cả trước đại dịch, chính phủ Philippines đã cố gắng điều chỉnh mức tăng dân số của quốc gia. Đầu năm 2000, dân số nước này là 76 triệu người. Đến năm 2015, con số đã tăng thêm 25%, lên 100 triệu người. Mức trung bình hàng năm là 1,6% - cao nhất Đông Nam Á.

Năm 2012, chính phủ thông qua Luật Sức khỏe Sinh sản mang tính bước ngoặt, nhằm giảm tỷ lệ sinh và các ca có thai ngoài ý muốn. Một năm sau đó, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 38%. Đến 2017, Cơ quan Kinh tế và Phát triển đặt mục tiêu 5 năm là nâng con số này lên mức 65%.

Tuy nhiên lệnh giãn cách xã hội đã đẩy lùi thành tựu nhỏ mà đất nước đạt được. Bên cạnh sự gia tăng của các trường hợp có thai ngoài ý muốn, UPPI và UNFPA dự đoán khoảng 5,2 triệu phụ nữ sẽ không được tiếp cận với các biện pháp kiểm soát sinh sản cho đến tháng 12.

"Lệnh giãn cách không đồng nghĩa người dân sẽ ngừng quan hệ tình dục. Chúng tôi thừa nhận dù chống Covid-19 là ưu tiên hàng đầu, tính liên tục của các dịch vụ y tế thiết yếu khác, như kế hoạch hóa gia đình, cũng cần được đảm bảo", Mike Singh, giám đốc y tế của UNFPA, cho biết.

Giữa tháng 3, khi đại dịch vẫn nghiêm trọng, nhân viên y tế từ nhiều lĩnh vực được huy động lên tuyến đầu. Điều này có nghĩa y tá thường làm việc trong phòng khám kế hoạch hóa gia đình phải dừng công việc để chăm sóc người mắc Covid-19.

Philippines đến nay vẫn ghi nhận số ca nhiễm nCoV cao nhất Đông Nam Á. Lệnh giãn cách cũng khiến nhiều gia đình không thể tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa. Likhaan, một tổ chức phi chính phủ chuyên cung cấp biện pháp tránh thai miễn phí cho phụ nữ ở cộng đồng yếu thế, cho biết lượng khách hàng của họ đã giảm gần 50% vào thời gian cao điểm.

Tại Bệnh viện Sản Fabella Memorial, hầu hết sản phụ đều chỉ đến khám một lần trước khi sinh, nhiều người thậm chí không thể tới gặp bác sĩ vì lệnh hạn chế đi lại.

Đến nay, dù quy định giãn cách được nới lỏng, người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tránh thai hơn, chuyên gia y tế công cộng và chính quyền liên bang vẫn nỗ lực thực hiện chương trình kế hoạch hóa gia đình hiệu quả, có tổ chức để làm chậm thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh.

Nhiều bệnh viện công bắt đầu chuyển sang chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và bé từ xa, thông qua điện thoại. Tổ chức Likhaan cũng sử dụng giải pháp thay thế này, xa hơn là cung cấp thuốc tránh thai miễn phí cho một số người.