Truyền dịch “vô tội vạ”, coi chừng tai biến khó lường

(PLO) - Đã có không ít trường hợp gặp tai biến, thậm chí là tử vong vì lạm dụng hoặc tự ý truyền nước khi người đang mệt.
Tự ý truyền dịch nếu không có sự chỉ định, theo dõi của bác sỹ có thể xảy ra nhiều biến chứng đáng tiếc. (Ảnh minh họa)
Tự ý truyền dịch nếu không có sự chỉ định, theo dõi của bác sỹ có thể xảy ra nhiều biến chứng đáng tiếc. (Ảnh minh họa)

Cứ mệt là truyền dịch

Trên thực tế, không hiếm người hễ cứ thấy trong người mệt mỏi là lại đi truyền nước, truyền hoa quả. Nhiều người chỉ bị sốt, hoặc cảm cúm, đau đầu, thậm chí chỉ thấy mệt trong người cũng nằng nặc đòi được truyền. Khi mọi người khuyên không nên, họ giãy nảy lên không đồng ý.

Họ khăng khăng cho rằng, phải truyền nước, truyền hoa quả thì sức khỏe mới nhanh phục hồi. Họ không hiểu rằng việc truyền nước, hoặc truyền hoa quả là không cần thiết, tốn kém tiền bạc, tốn thời gian, chưa kể có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Còn nhớ vào đợt dịch sốt xuất huyết năm 2015. Đợt dịch đó làm cả làng Văn Nội, Nhân Trạch của P. Phú Lương (Q. Hà Đông, Hà Nội) lao đao. Taxi chạy qua chạy lại nườm nượp chỉ để chở người bệnh ra bệnh viện điều trị sốt xuất huyết. Những người bệnh nặng đã ra viện, còn những người ở nhà mới có dấu hiệu sốt, chưa đi xét nghiệm xem nguyên nhân sốt là gì đã lục tục gọi nhau, rủ nhau đi truyền nước tại các nhà thuốc, tại nhà những người khám chữa bệnh tư nhân không rõ bằng cấp.

Truyền một chai chưa thấy giảm sốt, lại truyền chai thứ hai, truyền cả hoa quả, rồi truyền chai thứ ba, thứ tư.... Truyền như thế liên tục trong năm, sáu ngày trời. Hậu quả, một người đàn ông bị sốc nước, toàn thân run lập cập, tím tái, co giật. Cũng may là được cấp cứu kịp thời, nếu không khó mà qua khỏi.

Rồi kể đến cả các em bé, như trường hợp của chị Nguyễn Mai Linh (28 tuổi, Thanh Hóa). Chị có con nhỏ bị sốt virus phải nhập viện cấp cứu. Tại đây, sau khi xem xét tình trạng bệnh, các bác sĩ chỉ định cho cháu bé truyền một chai nước biển. Đến ngày hôm sau, thấy con vẫn chưa đỡ sốt, chị Linh nghe một số người cùng phòng mách về nhà truyền thêm nước cho con sẽ nhanh hạ sốt.

Nghe vậy, chị Linh đưa con về nhà tự ý đề nghị những người làm công tác y tế ở gần nhà truyền dịch. Truyền đến chai thứ 5 thì cháu bé có dấu hiệu bệnh nặng lên, phải nhập viện trở lại. Tại đây, cháu bé được xác định bị phù phổi do truyền dịch quá nhiều.

Đừng tự ý điều chỉnh tốc độ truyền

Tại các bệnh viện, không hiếm cảnh người nhà tự ý điều chỉnh tốc độ truyền dịch của bệnh nhân. Mọi sự tự ý đó đều nhằm mục đích cho đường chảy nhanh hơn, lượng dịch truyền nhanh hết để bệnh nhân không phải nằm yên một chỗ, được tự do di chuyển. Ngay cả với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cũng tự ý điều chỉnh tốc độ truyền dịch cho chảy nhanh hơn mà không có sự đồng ý của cán bộ y tế.

Nếu bị cán bộ y tế nhìn thấy nhắc nhở, họ chỉ cười xòa rồi sau đó lại tiếp tục lặp lại hành động cũ. Một bác sĩ cho biết: “Nguyên do của hành động này là bởi mọi người không ý thức được mức độ nguy hiểm khi tự ý điều chỉnh tốc độ truyền mà không có sự cho phép của các y bác sĩ”.

Cũng giống như tự ý truyền dịch, việc tự ý điều chỉnh tốc độ truyền dịch cũng gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Bởi tùy từng thể trạng bệnh nhân mà các y bác sĩ cho tốc độ truyền phù hợp, nếu bệnh nhân là trẻ em, sức đề kháng yếu mà cho đường truyền chảy nhanh thì khi cơ thể không kịp tiếp nhận lượng dịch truyền vào rất dễ bị sốc phản vệ, gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

Về vấn đề này, các chuyên gia y tế đã không ít lần cảnh báo: “Việc truyền dịch chỉ an toàn khi có chỉ định của bác sĩ xác định cơ thể bệnh nhân đang trong tình trạng như thế nào và cần những loại dịch truyền gì. Cần tuân thủ tuyệt đối các quy định trong truyền dịch về tốc độ, thời gian, số lượng, dụng cụ cũng phải bảo đảm vô khuẩn tuyệt đối. Bởi kỹ thuật truyền tuy đơn giản nhưng có thể gặp tai biến. Nhẹ thì gây sưng phù, đau tại vùng tiêm truyền. Nặng thì gây sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền. Hơn nữa, truyền dịch đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn, các chất điện giải và dinh dưỡng nên có thể gây rối loạn về chuyển hóa, gây các hiện tượng phù ở tim, thận…”.

Đọc thêm