Vệ sinh an toàn thực phẩm: Nguy cơ hiện hữu

(PLO) - Vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm các phương pháp bảo quản, xử lý, chế biến nhằm phòng ngừa bệnh tật cho con người do thực phẩm gây ra. Đó là vấn đề bảo vệ sức khỏe con người mà bất cứ quốc gia, dân tộc nào cũng phải quan tâm như một nhiệm vụ hàng đầu. Buông lỏng nhiệm vụ này đồng nghĩa với việc bệnh tật phát sinh, sức khỏe giảm sút và kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác như quá tải y tế, sức lao động bị ảnh hưởng, thậm chí cả việc suy thoái giống nòi.
Vệ sinh an toàn thực phẩm: Nguy cơ hiện hữu

Ở các nước đang phát triển, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm bị coi là một nguy cơ bởi thói quen chế biến cũng như việc coi nhẹ vệ sinh các thứ ăn vào miệng. Khác với các nước phát triển, ở đây vệ sinh an toàn thực phẩm được kiểm tra nghiêm ngặt ở các khâu, kể cả sự thận trọng cần thiết đối với các thực phẩm biến đổi gen.

Thực tế, trên đất nước ta, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trở nên rất nóng ở các diễn đàn. Thực phẩm tiêu thụ trên thị trường chúng ta thường không rõ nguồn gốc, không qua kiểm tra, kiểm nghiệm, từ mớ rau, cân thịt đến hoa quả nhập ngoại, từ quà vặt sân trường đến món nhậu trong nhà hàng, từ quán ăn bình dân đến các địa chỉ ẩm thực quan trọng.

Việc phát hiện chân gà thối, nội tạng ung,... không phải cá biệt cũng như các cơ sở sản xuất bánh kẹo, lò mổ,... không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh tối thiểu khi bị kiểm tra là phổ biến. Thỉnh thoảng lại nổ ra chuyện phở ngâm phooc- môn hay xúc-xích từ thịt lợn chết gây ghê sợ cộng đồng nhưng sau đó thì người ta lại tiếp tục chén những thứ này.

Một điều hết sức đáng phải lưu tâm, giải quyết đến tận gốc vấn đề là thói quen ăn uống xô bồ của chúng ta, cứ “khuất mắt trông coi” thì là ngon lành, bất kể thức ăn đó mất vệ sinh đến đâu. Một “thói quen” khác rất đáng lên án là “giết lẫn nhau” khi đưa thực phẩm bẩn ra thị trường tiêu thụ: Từ rau phun hóa chất độc hại đến các loại gia súc chăn nuôi, từ thức ăn tăng trọng, từ các loại bánh mứt kẹo rởm đến chai rượu ngoại đắt tiền đều làm giả và đầy chất cấm trong đó.

Cái thói quen (hoặc tâm lý, não trạng) “giết lẫn nhau” đó thể hiện thường xuyên bằng các vụ ngộ độc tập thể: Tại bữa cơm công nhân, trường bán trú của học sinh, trong bữa cơm các đám cưới, đám ma ở nông thôn và thành thị. Dã man hơn, rượu sản xuất có nguồn gốc, của “quốc doanh” hẳn hoi mà cũng đã gây ra mấy vụ chết người.

Đáng nói hơn là các vụ ngộ độc thực phẩm này không được xử lý đến nơi, đến chốn, kẻ gây ra không phải chịu những hình thức xử lý thích đáng từ pháp luật, cho nên hiện tượng này xảy ra ngày càng thường xuyên hơn.

Trước vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành nguy cơ hiện hữu đe dọa sức khỏe con người thì tại Quốc hội, các bộ chức năng đổ lỗi cho nhau, tại các cơ quan quản lý thì kêu thiếu người, không kiểm soát nổi và đòi tăng biên chế.

Một thực trạng rất rõ ràng, không thể phủ nhận là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện tại đang bị thả nổi, người dùng phải tự “thông thái” mà thôi. Ví dụ, tôm xuất khẩu bị nước ngoài trả về do không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thì quan chức chịu trách nhiệm trong lĩnh vực này lên báo khuyên dân “luộc lên là ăn được”. Cái não trạng như vậy là khá phổ biến trong quản lý lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm nên xảy ra tình trạng mất an toàn là lẽ đương nhiên.

Đọc thêm