Vị giáo sư và bí quyết sống khỏe chỉ 3 từ đơn giản

(PLO) -Ở tuổi 79, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng vẫn đầy sự hoạt bát, nhanh nhạy trong công việc, vẫn say sưa với công tác nghiên cứu khoa học...
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng

Ở tuổi 79, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng vẫn đầy sự hoạt bát, nhanh nhạy trong công việc, vẫn say sưa với công tác nghiên cứu khoa học, vẫn đau đáu với việc làm thế nào để tạo ra những thực phẩm sạch cho đến việc phải sản xuất thuốc trừ sâu sinh học cho người dân... Và đặc biệt, ông luôn hấp dẫn giới trẻ trong những buổi ông đến nói chuyện bởi những suy nghĩ rất trẻ, rất dí dỏm cùng kiến thức sâu rộng.

Điều gì đã khiến ông có sức trẻ, sức làm việc dẻo dai đến vậy khi bản thân cũng là một bệnh nhân tim mạch với 2 stent đặt trong người. Phải chăng ông thừa hưởng được bí quyết giữ gìn sức khỏe từ bố mình - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân - ở tuổi 95, cụ vẫn hoàn thiện bộ Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2000) dày 2.111 trang và sống thọ tới 98 tuổi. Chiều giáp Tết Đinh Dậu, chúng tôi tới thăm nhà GS. Nguyễn Lân Dũng, được lắng nghe những câu chuyện về cái Tết của một thời tuổi thơ, về mối tình đẹp như mơ của anh giáo nghèo Nguyễn Lân với cô tiểu thư khuê các con nhà đại điền chủ giàu nhất nhì Bắc Bộ thời đó... và được nghe chia sẻ cả về bí quyết sống khỏe chỉ với 3 từ đơn giản để không bao giờ có stress trong cuộc sống của ông.

Gia đình Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân sau ngày hòa bình lập lại.

Gia đình Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân sau ngày hòa bình lập lại.

Chuyện tình như cổ tích của nhà giáo nghèo Nguyễn Lân với cô tiểu thư Hà Nội

PV: Thưa GS, những năm tháng ấu thơ luôn là những ký ức khó phai mờ trong tâm khảm mỗi người. GS có thể chia sẻ những kỷ niệm tuổi thơ khi sống với bố mẹ, về những cái Tết ở chiến khu khi gia đình tản cư theo kháng chiến?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Tôi sinh ra ở Huế, năm 1938. Tuổi thơ tôi lớn lên ở Huế đến tận năm 1945 mới theo bố mẹ ra Hà Nội. Năm 1946, kháng chiến nổ ra, chúng tôi tản cư lên Phú Thọ. Bố tôi được bổ nhiệm làm Giám đốc Giáo dục Liên khu 10. Ít lâu sau, Pháp nhảy dù đúng Phú Thọ. Gia đình tôi từ hầm trú ẩn đi ra cánh đồng, máy bay quần thảo trên đầu. Sau đó Pháp rút, chúng tôi về nhà không còn một tí đồ đạc nào, tài sản chỉ còn là bộ quần áo mặc trên người. Ấn tượng tuổi thơ là những ngày lang thang theo bố tôi hết tỉnh này đến tỉnh khác. Không thể kể hết sự gian khổ những năm tháng đó. Tôi nhớ có lần ở Yên Bái, gia đình không có gì để ăn. Bố tôi làm giám đốc một khu giáo dục lớn như vậy mà không có lương, tất cả chỉ có 53kg gạo. Bố tôi phải giữ lại 20kg, dùng để đi kinh lý các tỉnh... Mẹ tôi sống trong cảnh nhung lụa từ bé mà có lúc phải đi bới sắn lưu niên để có cái ăn cho cả gia đình. Sắn lưu niên là sắn người ta bỏ quên, to bằng bắp đùi, phải nạo ra rồi đồ lên ăn với muối ớt. Bố tôi vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon. Mẹ tôi xót xa: “Không có gì phải ăn vậy, ngon gì mà ngon!”. Tôi nhớ mãi hình ảnh đó.

Sau đó, bố tôi làm Giám đốc Giáo dục Liên khu Việt Bắc. Gia đình lại chuyển ra Thái Nguyên. Tết của tuổi thơ tôi là những ngày được vui Tết với đồng bào.Tết đến dù gian khổ đến mấy nhưng nhất định vẫn có bánh chưng. Vui nhất là buổi đêm cùng nhau ngồi chung quanh canh nồi bánh chưng. Và chỉ có thế thôi, không có gì khác.

PV: Những câu chuyện tình yêu luôn có hấp lực không chỉ với riêng giới trẻ chúng cháu mà với cả tất cả mọi người. Đã có lần cháu được nghe về mối tình rất đặc biệt của Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân với cụ bà - con gái của một gia đình giàu có, thế lực thời đó. GS có thể “bật mí” kỹ hơn cho bạn đọc báo SK&ĐS về câu chuyện tình yêu đẹp ấy?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Bố tôi là một “Cậu bé nhà quê” (tên tiểu thuyết đầu tay của cụ Nguyễn Lân - PV) con nhà nghèo, rất nghèo. Ông bà nội tôi có lẽ còn không biết chữ. Là con thứ 18 trong gia đình, mẹ thì mất sớm, may nhờ có người anh họ giúp đỡ và sau này là anh ruột, bố tôi được đi học và vươn lên được nhờ học giỏi rồi có học bổng. Bố tôi có học bổng toàn phần khi đỗ khá cao vào Trường Bưởi rồi tiếp đến đỗ đầu Trường cao đẳng Sư phạm Đông Dương.

Nhưng mẹ tôi lại là một thái cực khác hẳn: mẹ là con một người giàu vào loại nhất nhì Bắc Bộ (ông ngoại tôi là Nguyễn Hữu Tiệp, người cùng ông bà Trịnh Văn Bô góp nhiều vàng nhất cho Bác Hồ trong Tuần lễ vàng năm 1946). Mối tình của bố mẹ tôi rất ly kỳ. Bố tôi rất liều (cười vui). Khi đến xem một triển lãm ở Trường Sainte Marie nơi mẹ tôi học, thấy một bức tranh đẹp do bà vẽ. Ông nhìn thấy mẹ tôi đẹp quá. Ông tiến đến nói với bà bằng tiếng Pháp: “Thưa cô, tôi đã mua bức tranh của cô”. Mẹ tôi đáp lại cũng bằng tiếng Pháp: “Cảm ơn ông!”. Bố tôi mê mẩn và nói với cậu Vương là em trai mẹ tôi, cũng là học trò của bố tôi: “Thầy muốn tìm hiểu chị em”. Cậu Vương trả lời: “Em cũng chả có tác dụng gì, để em về nói lại với bố em” (cười lớn). Ông ngoại tôi có tư tưởng khá tiến bộ, cụ mời bố tôi đến ăn cơm. Gần đến cuối bữa, bố tôi rất mạnh dạn bảo: “Con muốn đặt vấn đề tìm hiểu em Tề” (Tề là tên mẹ tôi). Ông ngoại tôi nói: “Tôi thấy ông giáo cũng được đấy chứ. Nhưng quyết định phải là ở em nó”. Tất nhiên là mẹ tôi đồng ý, vì thời đó cha mẹ đặt đâu con ngồi đó và trong lòng bà cũng quý mến bố tôi (cười).

Trở thành nhà nghiên cứu sinh học hàng đầu Việt Nam vì... không được học một chữ nào về môn này

PV: Nói đến Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, mọi người đều biết đến cụ với tư cách một học giả, một nhà biên soạn từ điển, nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu đáng kính, đáng ngưỡng mộ với các công trình nghiên cứu đồ sộ. Nhưng trên tất cả là một người cha đã nuôi dạy 8 người con thì có tới 7 TS, 6 GS và PGS thành danh trên nhiều lĩnh vực. Điều khiến GS nhớ nhất về bố mẹ mình là gì?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Những gì bố tôi có được là nhờ học tập và học giỏi. Học giỏi nên cụ mới có học bổng để tiếp tục con đường học vấn. Sau này, 8 anh chị em chúng tôi đều trưởng thành, học hành thành đạt, nhiều người cho là có yếu tố di truyền. Là nhà sinh học, tôi biết không có chuyện đó mà chỉ là sự phấn đấu theo tấm gương của cha mẹ. Bố tôi không dạy chúng tôi chữ nghĩa, mà điều quan trọng nhất là thổi vào chúng tôi ý chí, lòng tự trọng, niềm đam mê học tập. Chúng tôi hiểu học là để cho mình. Chúng tôi tự hào về những đóng góp của bố mẹ mình qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và nhất là với phần thưởng của Bác Hồ dành cho bố tôi (Bằng khen do Bác Hồ tự tay đánh máy và bộ quần áo lụa trong có thêu dòng chữ “Chúng cháu kính dâng Bác Hồ”. Hiện bộ quần áo đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - PV).

Điều khiến tôi khâm phục nhất về mẹ, là từ một tiểu thư khuê các con nhà đại triệu phú, bà đã vượt qua mọi khó khăn, bền bỉ đi theo cách mạng, theo bố tôi, nuôi dạy đàn con trưởng thành. Sau ngày hòa bình lập lại, mẹ tôi còn làm đại lý bán đường cho mậu dịch để kiếm sống. Cả nhà cùng xúm lại gói từng cân đường đem bán. Kiên cường chịu đựng gian khổ và hai cụ yêu nước lắm. Một kỷ niệm với em trai Nguyễn Lân Việt (GS.TS. Anh hùng Lao động Nguyễn Lân Việt - PV) khiến tôi nhớ mãi. Khi đó, Việt đang là sinh viên y khoa. Đang đêm người ta gọi cửa nhờ cấp cứu. Việt bảo: “Con mới là sinh viên đại học, biết gì đâu”. Mẹ tôi bảo: “Con không biết gì cũng biết hơn người ta. Cứu một người phúc đẳng hà sa”. Việt đã khoác áo đi giữa đêm và sau này Việt nói lại là không bao giờ quên lời mẹ dặn mỗi khi đứng trước người bệnh của mình.

PV: Bản thân GS đã thực hiện “sự học cho bản thân mình” như thế nào ạ?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Tôi tốt nghiệp đại học năm 18 tuổi, lớp tốt nghiệp năm 1956. Được phân công dạy ngay Khóa I của Đại học Tổng hợp với một môn học mà tôi chưa được học bao giờ, đó là môn Vi sinh vật học (cười). Tôi vô cùng hoang mang. Thầy Lê Khả Kế bảo: “Môn khác có người dạy rồi. Em dạy môn này đi”. Thầy cho tôi một năm chuẩn bị. Tôi nghĩ mãi và nhớ đến một người giỏi nhất về Vi sinh vật học được đào tạo đến nơi đến chốn là thầy Đặng Văn Ngữ. Tôi sang Trường Y và trình bày về tình thế trớ trêu này. Không ngờ thầy Ngữ cũng phải dạy một chuyên môn khác, môn Ký sinh trùng học. Bởi vì khi đó môn Vi trùng học thì có thầy Hoàng Tích Mịnh dạy rồi. Thế mà GS. Đặng Văn Ngữ đã trở thành ông tổ của ngành Ký sinh trùng học Việt Nam.

Thầy Ngữ khuyên tôi 3 câu. Với 3 lời khuyên này tôi phấn đấu cả đời để thực hiện. Một là, kiến thức ở trong sách, cho nên phải học ngoại ngữ. Tôi nhớ mình đã phải tra từng chữ một để trong một năm dịch xong 2 cuốn sách. Từ điển chuyên ngành không có, tôi phải bịa ra khá nhiều từ (và nhiều từ hiện đã được dùng rộng rãi). Hai là, dần dần phải viết sách giáo khoa cho sinh viên, vì dạy đại học khác hẳn dạy ở bậc phổ thông. Đến giờ sau nhiều lần sửa đổi, chúng tôi đã hoàn thành một giáo trình hoàn chỉnh dùng chung cho nhiều trường đại học. Ba là, phải nghiên cứu khoa học. Tôi cũng đã rất cố gắng để xây dựng đội ngũ nghiên cứu, từ Phòng nghiên cứu chuyên đề đến Trung tâm nghiên cứu và sau cùng là một Viện nghiên cứu cấp Nhà nước.

Sinh thời những ngày lễ, Tết, cụ Nguyễn Lân thường đứng trước bàn thờ kể chuyện, tri ân công đức tổ tiên, của những người đã khuất trước bầy con cháu sắp hàng đều tăm tắp trước mâm cỗ cúng.

Sinh thời những ngày lễ, Tết, cụ Nguyễn Lân thường đứng trước bàn thờ kể chuyện, tri ân công đức tổ tiên, của những người đã khuất trước bầy con cháu sắp hàng đều tăm tắp trước mâm cỗ cúng.

Sống khỏe chỉ với 3 từ đơn giản

PV: Hai người con trong gia đình GS, con trai theo nghiệp mẹ, con gái theo nghề bố và đều rất thành đạt. GS đã định hướng và truyền sự đam mê học tập tới các con bằng cách nào ạ?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Chúng tôi rất tôn trọng con cái, không áp đặt chỉ động viên thôi. Khi con trai tôi (PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ĐB Quốc hội Khóa 14 - PV) đỗ 3 trường đại học; trước cái chết vì bệnh của cả bà nội lẫn bà ngoại, cháu quyết định vào học Đại học Y Hà Nội. Còn con gái Nữ Thảo tôi chỉ hướng dẫn bằng cách cho đến phòng thí nghiệm quan sát qua kính hiển vi. Cháu không ngờ vi sinh vật mà lại đẹp và đa dạng đến thế. Cháu tự quyết định đi theo chuyên ngành của bố. Cháu thi vào lớp Chuyên sinh rồi về sau làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Mỹ và hiện là Trưởng phòng Công nghệ cao của Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

PV: Tết này nếu tính cả tuổi mụ GS đã ở cái tuổi bát thập cổ lai hy, vậy mà GS vẫn tiếp tục với các công trình nghiên cứu khoa học và lịch trình làm việc khó ai bì kịp. Điều gì khiến GS có được sức khỏe và sức làm việc dẻo dai đến vậy, khi bản thân đang là một bệnh nhân tim mạch?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Bí quyết sống khỏe của tôi gói gọn trong ba từ: KHÔNG GHÉT AI. Không ghét ai thì sống thoải mái, thanh thản. Khi tâm mình sáng, mình ăn được, ngủ được ngon lành. Ghét người nọ, người kia thì tâm bất an, sức khỏe không tốt. Tôi chả cần thời gian thư giãn, cũng không cần phải có những lúc giải tỏa căng thẳng như mọi người vì có căng thẳng gì đâu!

Hiện tôi đã có 2 stent trong động mạch vành nên không tập thể dục được, đi nhanh cũng khó thở. Tôi học theo trường phái của BS. Nguyễn Khắc Viện là tập thở. Tôi quan niệm sức khỏe không phải cơ thể lực lưỡng mà chính là khả năng bền bỉ trong đời sống.

Tôi dậy lúc 5 giờ. Ăn sáng là bữa chính. Trưa ăn nhẹ, tối ăn rất nhẹ. Tôi thường làm việc đến 11h30 đêm mới ngủ, còn rất nhiều việc phải làm, không như thế thì không đủ thời gian để hoàn thành. Tôi đã viết được trên 50 cuốn sách khoa học, phổ biến khoa học và hy vọng vẫn còn viết tiếp được trong những năm tới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn GS và kính chúc GS cùng gia đình một năm mới thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khoa học nước nhà!

Đọc thêm