Vì sao phụ nữ mang thai hay nhiễm khuẩn đường tiết niệu?

(PLO) - Tôi đang mang thai 5 tháng, lúc đi khám bác sỹ bảo tôi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh này có ảnh hưởng gì đến thai  nhi  không?. Liệu tôi có phải điều trị kháng sinh và dùng kháng sinh có ảnh hưởng đến em bé không?. Xin cảm ơn bác sĩ. (Thu Hương, 30 tuổi, Bình Dương)
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Trả lời : 
Viêm đường tiết niệu thường xảy ra với phụ nữ mang thai. Nguyên nhân do sự ứ đọng nước tiểu, sự ứ đọng này xảy ra do khối lượng tử cung lớn lên, chèn ép vào niệu quản làm giãn đường bài tiết nước tiểu. Vi khuẩn thường gặp là E.coli. Đúng là việc nhiễm khuẩn tiết niệu có nguy cơ dẫn đến tai biến sản khoa như thai bé, đẻ non, thai chết lưu do nhiễm khuẩn huyết... Tuy nhiên, bạn yên tâm, với sự phát triển của y học hiện đại, các chứng nhiễm khuẩn tiết niệu ở phụ nữ có thai nếu được phát hiện sớm sẽ được chữa trị kịp thời, không ảnh hưởng gì đến thai. 
Người ta chia làm 2 loại: Nhiễm khuẩn tiết niệu dưới cấp hay viêm bàng quang cấp với các dấu hiệu đái rắt, đái buốt, đái đục, đau dưới gò mu; nhiễm khuẩn tiết niệu trên cấp hay viêm thận - bể thận cấp với các dấu hiệu sốt cao hay sốt vừa, đau thắt lưng, đái đục, đái rắt. Khi điều trị, bác sĩ sẽ chọn các thuốc kháng sinh phù hợp để không gây độc cho thai. Nếu đã có triệu chứng nghi ngờ, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán, điều trị.
Ngoài ra, về chế độ ăn uống, vệ sinh sản phụ hàng ngày nên uống nước đầy đủ, không nên cố nhịn khi muốn đi tiểu, nên đi tiểu ngay sau khi giao hợp vì lúc này lỗ niệu đạo mở dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập bàng quang và nhiễm khuẩn ngược dòng, khi đi đại tiện hoặc khi vệ sinh vùng âm hộ - hậu môn thì nên vệ sinh từ trước ra sau. 
Bác sỹ Thanh Quy – Bệnh viện Từ Dũ

Đọc thêm