"Việc mổ lấy tạng ở nơi hoang vắng là hoang đường"

(PLO) - “Để lấy tạng ra khỏi ổ bụng, các bác sỹ phải tuân thủ theo một quy trình ngặt nghèo và thực hiện trong điều kiện vô trùng. Không có chuyện bắt cóc trẻ rồi đưa đến một nơi hoang vắng mổ lấy tạng. Thông tin đó là bịa đặt”. Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chuyên gia ghép tạng hàng đầu Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Mới đây, Công an huyện Si Ma Cai (Lào Cai) có văn bản gửi tới các xã trên địa bàn với nội dung: Tại địa bàn giáp ranh Việt Nam - Trung Quốc của tỉnh Hà Giang, trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra 16 vụ/16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng (gan, thận, tim, mắt…). Qua xác minh, các đối tượng thực hiện là người Trung Quốc đã tổ chức thành từng nhóm từ 3 đến 5 người và sử dụng xe ôtô (không biển kiểm soát). Các đối tượng bắt cóc đưa nạn nhân lên ôtô, đưa đến khu vực vắng rồi mổ lấy nội tạng như mắt, thận, tim, gan... Đối tượng chúng nhắm tới là gia đình có người già, trẻ em, học sinh các trường tổ chức đi học ngoại khóa, trẻ em đi chăn thả gia súc, làm nương rẫy một mình.

Ngay khi thông tin được công bố, sáng 11/8, Đại tá Hầu Văn Lý, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang cho biết, thông tin tại địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra hàng loạt vụ bắt cóc trẻ em mổ lấy nội tạng là không chính xác.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho rằng, để lấy được tạng phải trải qua rất nhiều công đoạn. Ví như, trước khi lấy tạng, bác sỹ phải bơm dung dịch đặc biệt vào cơ thể để rửa tạng. Khi tạng đã được lấy ra khỏi cơ thể thì phải được làm lạnh và được ngâm trong dung dịch bảo quản đặc biệt. Việc lấy tạng phải được thực hiện với những máy móc đặc biệt, dung dịch đặc biệt, chứ không phải nói lấy là lấy được ngay. Hơn nữa, khi tạng lấy ra thì phải có người để ghép ngay. Nhưng điều này cũng rất khó, bởi rất ít người có chỉ số trùng nhau, có khi phải làm xét nghiệm hàng trăm trường hợp mới có một trường hợp trùng chỉ số giữa người cho và nhận tạng. Tại các bệnh viện, do đã có danh sách chờ ghép với các chỉ số đã được phân tích nên bác sỹ chỉ việc đối chiếu chỉ số giữa người cho và nhận. Đó là chưa kể, thời gian bảo quản tạng chỉ được chừng từ 10 đến 15 tiếng. Quá thời gian trên, tạng sẽ hỏng không thể ghép được nữa. Ngoài ra, kẻ bắt cóc còn phải vận chuyển qua một quãng đường dài, lại gặp phải sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, việc bắt cóc trẻ mổ lấy tạng tại nơi hoang vắng là hoang đường và không thể thực hiện được.