Việt Nam có quần thể muỗi Zika tồn tại ngoài tự nhiên

(PLO) - Tính đến ngày 20/10, Việt Nam đã ghi nhận 8 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương và nhiều nhất là TP HCM với 05 ca mắc. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phát hiện các cá thể muỗi vằn ngoài tự nhiên dương tính với vi rút Zika, cho thấy người dân cần có ý thức phòng chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Zika gây dị tật đầu nhỏ.
Zika gây dị tật đầu nhỏ.

Dịch bệnh diễn biến ngày càng nghiêm trọng

Tình hình dịch bệnh do vi rút Zika trên thế giới vẫn đang có những biến phức tạp, hiện đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika. Ngày 11/10/2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch bệnh do vi rút Zika đang có dấu hiệu lan rộng tại châu Á và có khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika do sự phân bố rộng của véc tơ truyền bệnh trong khu vực, gia tăng giao lưu, du lịch đến và đi từ các quốc gia có dịch và miễn dịch quần thể thấp.

Tại khu vực Đông Nam Á ghi nhận 7/10 quốc gia có sự lưu hành vi rút Zika. Tính đến ngày 20/10, Việt Nam đã ghi nhận 8 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương và nhiều nhất là TP HCM với 5 ca mắc. Ca mắc gần đây nhất là một bệnh nhân nam 32 tuổi, cư ngụ ở quận 5. Trước số ca mắc đông, TP HCM đã chính thức công bố dịch Zika cấp phường, xã, đồng thời triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế tình trạng gia tăng dịch bệnh.

Trước đó, ngày 14/10, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế đã ghi nhận 01 trường hợp mắc bệnh đầu nhỏ tại buôn Tlan, xã CưPơng, huyện Krông Buk nhưng chưa tìm ra nguyên nhân mắc bệnh. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng do virut Zika. Và mới đây nhất, thông tin cho thấy hai cháu nhỏ trong một gia đình ở tỉnh Đắk Lắk cũng mắc bệnh đầu nhỏ từ khi mới sinh. Đó là cháu Giàng Thị K.T (7 tuổi) và Giàng A Đ.D (4 tuổi) con anh Giàng A N. (ngụ huyện Krông Năng). Theo anh N., gia đình có 4 người con thì hai cháu đầu và cháu cuối phát triển bình thường, 2 cháu ở giữa lúc sinh ra đã bị chứng đầu nhỏ, trong thời gian mang thai người mẹ có bị sốt nhiều lần nhưng không đi khám. Hiện tại hai cháu đã lớn nhưng có vòng đầu là 35cm và 39cm, nhỏ hơn nhiều so với những đứa trẻ thông thường. Hiện ngành Y tế vẫn đang tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân chính thức.

Vi rút Zika tuy có ảnh hưởng không lớn đến sức khỏe của người dân bình thường, tuy nhiên lại có thể gây hội chứng Guillain Barre hoặc hội chứng não bé ở trẻ sơ sinh sinh ra từ những người mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai. Đặc biệt, đến nay loại vi rút này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

Có quần thể muỗi Zika tồn tại ngoài tự nhiên

Ngoài việc phát hiện các trường hợp nhiễm vi rút Zika, mới đây Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đã phát hiện các cá thể muỗi vằn ngoài tự nhiên dương tính với vi rút Zika. Cụ thể, sau khi Việt Nam ghi nhận một số ca nhiễm Zika trên người vào tháng 4, nhóm nghiên cứu của dự án hướng đến loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam đã tiến hành xét nghiệm các cá thể muỗi vằn tự nhiên ở Nha Trang (Khánh Hòa). Kết quả cho thấy có 56 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với Zika (0,24%), 29 cá thể dương tính với vi rút Dengue và không có cá thể nào dương tính với vi rút Chikungunya.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi rút Zika ủ bệnh từ vài ngày đến một tuần. Có khoảng 20% các trường hợp nhiễm vi rút Zika có triệu chứng lâm sàng. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng:  Sốt nhẹ 37.5oC - 38oC, ban rát sẩn trên da, đau mỏi người, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt. Các triệu trứng lâm sàng thường nhẹ, kéo dài từ 2 – 7 ngày, có thể có biến chứng về thần kinh: hội chứng Guillain-Barre, hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, không phải cứ phụ nữ mang thai mắc Zika là có thể dẫn đến hội chứng đầu nhỏ mà chỉ phụ nữ mang thai 3 tháng đầu mới gặp nhiều nguy cơ.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, để chủ động phòng chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo và đáp ứng hoạt động của Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh - EOC. Hiện nay Bộ Y tế chưa khuyến cáo hạn chế đi lại, song phụ nữ có thai, phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết.

Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền vi rút Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày. Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn. 

Người dân cần chủ động phòng chống dịch bệnh một cách tích cực, tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại các hộ gia đình; kiểm tra, loại bỏ vật phế thải không để muỗi sinh sản và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đọc thêm