Virus 'ăn não người' báo động với các bà mẹ mang thai

(PLO) -Dù tính chất rầm rộ của bệnh do virus Zika không bằng dịch sốt xuất huyết nhưng cả hai có véc tơ truyền bệnh như nhau. Nguy hiểm hơn, trong thai kỳ, nếu các bà mẹ nhiễm virus Zika có thể gây dị tật bẩm sinh đầu nhỏ ở thai nhi. Đặc biệt gần đây ở nước ta số ca nhiễm virus Zika dần tăng lên đáng kể khiến nhiều người giật mình thảng thốt vì chưa biết cách phòng ngừa loại virus đáng sợ này.
Hình minh họa
Hình minh họa

Chỉ còn tồn tại kháng thể của virus Zika

Theo Thông cáo báo chí về trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ do liên quan với virus Zika xuất hiện tại Buôn T’Lan, xã Cư Pơng (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk), bệnh nhân là cháu H’Lệ M’Lô, đây cũng chính là bệnh nhân được nghi bị nhiễm virus Zika đầu tiên tại Việt Nam.

Được biết, chị H’Blươm M’Lô (SN 1993, mẹ cháu H’Lệ) mang thai vào tháng 9/2015. Đây là lần mang thai thứ 2 của chị H’Blươm, trong quá trình mang thai chị đã được tiêm phòng đủ 3 mũi vắc xin ngừa bệnh uốn ván. Ngoài ra, chị H’Blươm không hề đi xa khỏi địa phương trong quá trình thai kỳ. 

Tuy nhiên, khi mang thai đến tháng thứ 3, chị H’Blươm có biểu hiện sốt, ngứa toàn thân nhưng không đi điều trị, không uống thuốc. Đến khi thai ở tháng thứ 6, chị tiếp tục có biểu hiện sốt, lần này chị tự đi mua thuốc về uống tại nhà.

Đến ngày 12/6/2016, chị H’Blươm lâm bồn được bé gái 2,6kg nhưng bé có dấu hiệu bất thường, đầu nhỏ hơn các trẻ sơ sinh khác (vòng đầu 22cm). Ngày 10/9, Bệnh viện Nhi Đồng 1 chẩn đoán cháu bé bị Dị tật bẩm sinh não. 

Đến 13/10, cháu bé tái khám và được các bác sĩ chẩn đoán bị Dị tật bẩm sinh não/tật đầu nhỏ. Kết quả xét nghiệm từ mẫu huyết thanh của cháu H’Lệ lần 1: Ngày 8/9, do Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho thấy âm tính với virus Zika. Lần 2, ngày 12/10, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương trả lời cháu H’Lệ dương tính với virus Zika. 

Tại buổi họp báo ngày 4/11, giải thích lý do vì sao có sự khác biệt giữa hai kết quả xét nghiệm này, ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Kết quả dương tính với virus Zika của cháu H’Lệ được xác định gián tiếp thông qua việc phát hiện một loại kháng thể. Sự tồn tại kháng thể này trong người cháu bé cho thấy trước đó cháu từng bị nhiễm virus Zika”. 

Để làm rõ nguyên nhân dẫn đến chứng đầu nhỏ của cháu H’Lệ, ngày 18/10, Đoàn công tác của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã xuống điều tra thực địa và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. 

Kết quả, phát hiện đồng thời kháng thể IgM kháng đặc hiệu vi rút Zika và kháng thể trung hòa virus Zika ở mẫu huyết thanh của cháu H’Lệ. Đối với 05 mẫu huyết thanh của những người cùng sống trong hộ gia đình với cháu H’Lệ bao gồm: Bố, mẹ, bà ngoại, cậu và người con nuôi trong gia đình cũng tương tự.

Ông Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk thông tin thêm: “Như vậy, cháu H’Lệ và 5 người khác trong gia đình đã từng nhiễm virus Zika. Tuy nhiên, hiện tại, cơ thể của những người này đã không còn bị vi rút mà chỉ còn tồn tại kháng thể của virus Zika cho nên không có khả năng lây nhiễm cho người khác.

Loại kháng thể này cũng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người nên mọi người không nên xa lánh hay dị nghị. Cũng chính nhờ có loại kháng thể này mà vi rút Zika không thể tấn công vào người bệnh thêm lần hai”.

Ngoài trường hợp trên, bác sĩ Lào còn cho hay, vào cuối năm 2015, Cơ quan y tế phát hiện hai cháu Giàng Thị Kim Tuyến (SN 2009) và Giàng A Đức (SN 2012) là anh em ruột (ngụ xã Ea Đăh, huyện Krông Năng) cũng mắc chứng đầu nhỏ. 

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm gần đây từ Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy trường hợp hai cháu đầu nhỏ này không liên quan đến virus Zika. Việc trẻ mắc chứng đầu nhỏ có nhiều nguyên nhân.

Trường hợp này nhiều khả năng do tính huyết thống. Bởi một người chỉ bị nhiễm virus Zika nhiều nhất một lần trong đời. Do đó, nếu là hai anh em ruột cùng mắc chứng đầu nhỏ thì sẽ ngoại trừ khả năng do virus Zika ảnh hưởng từ người mẹ trong quá trình mang thai.

Ông Doãn Hữu Long phát biểu tại cuộc họp báo
Ông Doãn Hữu Long phát biểu tại cuộc họp báo

Nguy hiểm với phụ nữ mang thai

Thông báo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Aedes truyền và có thể gây dịch. Tại Việt Nam, tính từ đầu năm đến ngày 02/11/2016, trên cả nước có 23 trường hợp bệnh do virus Zika. Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 17 trường hợp, các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Đắk Lắk mỗi tỉnh có 01 trường hợp.

Trước tình hình đáng lo ngại đó, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu và UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về phòng chống dịch bệnh do virus Zika; Tổ chức Hội nghị đánh giá nguy cơ dịch bệnh do virus Zika và Lễ ký cam kết giữa Sở Y tế với UBND huyện, thị xã, thành phố về tăng cường phòng chống bệnh do virus Zika và Sốt xuất huyết Dengue; Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng...Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh các chiến dịch diệt muỗi, diệt bọ gậy/lăng quăng thường xuyên, liên tục.

Phát biểu tại buổi họp báo mới đây, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk khẳng định: “Các triệu chứng khi nhiễm virus Zika cũng không khác nhiều so với Sốt xuất huyết, người bệnh có biểu hiện sốt, đau nhức xương khớp, mệt mỏi, sốt phát ban… Xử lý bệnh do virus Zika cũng tương tự như dịch sốt xuất huyết.

Trong đó, kênh diệt lăng quăng/bọ gây là đặc biệt quan trọng, tạo hiệu quả cao hơn biện pháp diệt muỗi. Do đó, cần lật úp các thiết bị chứa nước không cần thiết, xử lý các ổ lăng quăng, bọ gậy một cách triệt để.

Cần tuyên truyền cho ý thức được điều đó để có cách phòng chống bệnh hiệu quả, bảo vệ gia đình cũng như toàn xã hội. Về phía các cơ quan chức năng, cần tổ chức các mô hình phòng chống bệnh cho người dân thấy, giúp người dân thực hiện được mô hình nhằm hạn chế dịch bệnh tối đa”.

Vị lãnh đạo sở này chia sẻ thêm: “Một thí nghiệm gần đây cho thấy, cứ 10 người thì có tới 6 người cho kết quả dương tính với virus Zika, nghi do quá khứ từng nhiễm virus Zika.

Và tỷ lệ người mẹ mang thai nhiễm virus Zika khi sinh con ra mắc chứng đầu nhỏ chiếm từ 1 đến 10%. Điều này ảnh hưởng lớn đến ngoại hình cũng như tương lai các cháu, do đó các bà mẹ đang mang thai cần hết sức chú ý, tránh đi đến các vùng có ổ dịch, hạn chế để muỗi đốt”.

Biểu hiện nhận biết Zika:

- Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.

- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược.

- Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa. 

Chẩn đoán xác định khi bệnh nhân nghi ngờ, có các xét nghiệm khẳng định căn nguyên như RT-PCR Zika virus dương tính, hay phản ứng huyết thanh (IgM) dương tính và có hiệu giá kháng thể cao gấp từ 4 lần trở lên so với hiệu giá kháng thể trung hòa virus Dengue tại cùng thời điểm.

Đọc thêm