WHO cảnh báo: Nguy cơ bùng phát virus chết người

(PLO) - Trong tuần qua, Bộ Y tế Uganda đã tuyên bố một vụ bùng phát virus Marburg gây tử vong ở quân Kween thuộc miền Đông nước này. 
Ảnh: Daily Mail
Ảnh: Daily Mail

Phát hiện các trường hợp 

Theo CNN dẫn lời phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tarik Jašarević, 3 trường hợp đầu tiên được Bộ Y tế Uganda báo đã tử vong. Tất cả các trường hợp này đều ở quận Kween, gần biên giới với Kenya. Một trong 3 bệnh nhân đã đến Kenya trước khi chết, nên quốc gia này cũng nằm trong “vùng nguy hiểm”. Sau 3 trường hợp đầu tiên đó, vài người đã tiếp xúc với bệnh nhân, bao gồm một nhân viên y tế đã phát triển các triệu chứng, đang được cách ly và theo dõi.

Trường hợp đầu tiên được Bộ Y tế phát hiện là một phụ nữ 50 tuổi với những triệu chứng như sốt, chảy máu, ói mửa, tiêu chảy, sau đó tử vong tại một trung tâm y tế ngày 11/10. Trước đó 3 tuần, người anh trai của phụ nữ này cũng đã chết và được mai táng theo nghi lễ địa phương. 

Hiện WHO đang làm việc với các cơ quan y tế Uganda để ngăn chặn dịch, theo đó đã tiến hành kiểm tra và giám sát 135 trường hợp bị nghi ngờ. Có một dấu hiệu đáng mừng đó là, 2 nhân viên chăm sóc sức khỏe từng tiếp xúc với bệnh nhân không bị nhiễm virus. Tuy nhiên theo WHO, hàng trăm người có thể bị phơi nhiễm virus ở trung tâm y tế và buổi lễ mai táng ở quận Kween vừa qua. 

Tiến sĩ Amesh Adalja, phát ngôn viên của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ cho hay, “Marburg là một loại virus có cùng họ với Ebola, và về cơ bản chúng có các đặc tính giống nhau. Vì vậy, loại virus này có thể lan truyền qua máu, chất dịch cơ thể. Không chỉ lây bệnh qua đường máu, chất bài tiết hoặc nước bọt từ người bệnh, mà chỉ cần cạm vào khu vực ô nhiễm (như quần áo, giường ngủ) cũng có thể lây lan virus”. 

Triệu chứng và tỷ lệ tử vong

Sau khi lây lan, virus sẽ ủ bệnh từ 2-21 ngày. Sốt cao, đau đầu nặng, mê man quá mức là những triệu chứng nổi bật nhất. Ngoài ra còn có đau cơ, tiêu chảy, chuột rút, buồn nôn, ỏi mửa. Sốt xuất huyết sẽ bắt đầu 5-7 ngày sau khi bắt đầu sốt. Bệnh nhân nhiễm bệnh thường có đặc điểm nổi bật như, đôi mắt thâm quầng, khuôn mặt trắng bệch, xanh xao. 

Virus Marburg được lây truyền qua tiếp xúc, từ việc người tiếp xúc với những chú khỉ ăn phải những loại hoa quả đang ăn dở từ dơi mang mầm bệnh. Người mắc bệnh sẽ bị virus tấn công vào những bộ phận trọng yếu và những cơ quan chính như gan, thận, phổi, ruột, cơ quan sinh sản, tuyến nước bọt. Sau khi xâm nhập vào các cơ quan, virus sẽ gây cho người bệnh chứng sốt xuất huyết nặng, với tỉ lệ tử vong từ 50-100% chỉ sau 8-10 ngày. Được biết, giống như các loại sốt xuất huyết khác, sốt xuất huyết do virus Marburg gây nên chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. 

Hiện nay, để kiểm soát dịch bệnh, bệnh nhân phải được điều trị bằng cách truyền nước vào tĩnh mạch. Ngoài ra, do có cùng họ với Ebola nên một số loại vắc-xin cũng đang được tiến hành nghiên cứu và bào chế. Tuy nhiên trước mắt, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cần phải có những biện pháp kiểm soát về vệ sinh, khử trùng ở những khu vực bị nghi ngờ là có ổ dịch… Những bệnh nhân đã chết phải được chôn cất cách ly để tránh phơi nhiễm. 

Nhưng thách thức lớn nhất hiện nay của Chính phủ Uganda là thuyết phục người dân tới thăm khám ở bệnh viện. Nguyên nhân là bởi người dân mê tín dị đoan, có những suy nghĩ tiêu cực khi cho rằng nhiễm virus là do phù thủy gây nên. 

Theo WHO, nhiều người ở khu vực nông thôn này tin rằng phù thủy là nguyên nhân gây nên cái chết của người bị nhiễm virus. Họ còn cho rằng nhân viên y tế cố ý giết một số người để cứu người khác thoát khỏi căn bệnh bí ẩn này. Do vậy, việc thuyết phục người dân đến bệnh viện là điều vô cùng khó khăn. Ví dụ điển hình nhất là trường hợp một người đàn ông Uganda được xác nhận đã nhiễm viruskhi vượt biên tới Kenya “để tìm kiếm thầy lang chữa bệnh, chứ không phải tìm tới các trung tâm y tế”. 

Đọc thêm