Cậu bé người Mông dùng tay thay đôi chân vượt đèo tìm con chữ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chân bị bại liệt sau trận ốm, Mùa Bá Tểnh không đầu hàng số phận mà tập đi bằng tay. Suốt 5 năm qua, cậu học trò người Mông ấy đã dùng đôi tay thay đôi chân vượt đèo tìm chữ, mặc cho khí hậu khắc nghiệt, có khi xuống thấp 1-2 độ C. Tểnh không chỉ là tấm gương về nghị lực vượt lên hoàn cảnh, mà còn là học sinh giỏi khiến thây cô, bạn bè cảm phục. 
Chân dung cậu bé tật nguyền nhưng ham học ở vùng cao xứ Nghệ
Chân dung cậu bé tật nguyền nhưng ham học ở vùng cao xứ Nghệ

Vượt lên số phận bất hạnh

Nhiều năm nay, học sinh và giáo viên trường Tiểu học Na Ngoi 2 (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) đã quen thuộc với hình ảnh cậu học sinh lớp 5 Mùa Bá Tểnh đến trường bằng đôi tay. 

Na Ngoi là xã biên giới tỉnh Nghệ An, đời sống bà con dân bản còn nhiều khó khăn. Trường tiểu học Na Ngoi 2 đóng tại bản Phù Khả 2 - nơi quanh năm có nhiệt độ thấp, có khi nhiệt độ xuống 1 - 2 độ C, xuất hiện băng giá. Đây cũng là ngôi trường có 2 điểm chính và 6 điểm trường lẻ, điểm xa nhất cách cơ sở chính khoảng 16 km.

Dù cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn,bản thânbị liệt đôi chân, phải đi lại bằng tay nhưng cậu học trò Mùa Bá Tểnh hầu như không bỏ sót buổi học nào. Theo người thân của cậu bé chia sẻ, khi sinh ra Tểnh vốn sinh ra khỏe mạnh, bình thường. Nhưng khi Tểnh lên 6 tuổi, sóng gió bắt đầu đến với cậu bé này. Sau một trận ốm nặng, đôi chân của em bất ngờ bị co quắp lại.

Mặc dù bố mẹ đã bán gia súc, gia cầm đưa Tểnh đi chữa trị nhiều nơi, từthầy lang trong vùng cho đến các bệnh viện lớn, nhưng em vẫn không thể đi lại như trước nữa.Sau thời gian điều trị nhưng không có kết quả, nhiều người mách gia đình nên đưa em ra bệnh viện tuyến trương ương để thăm khám, chữa trị. Nhưng vì tài sản trong nhà đã cạn kiệt nên họ đành bất lực nhìn đôi chân con teo tóp.  

Từ ngày đôi chân không thể cử động được, hàng ngày nhìn bạn vui vẻ tới trường, Tểnh chỉ biết nhìn theo,khao khát được đến lớp như các bạn. Thế rồi, Tểnh nói với bố mẹ sẽ tập đi bằng tay chứ không thể đầu hàng số phận.

Dù đi học bằng ...tay, chịu nhiều thiệt thòi nhưng Tểnh có thành tích học rất tốt.
Dù đi học bằng ...tay, chịu nhiều thiệt thòi nhưng Tểnh có thành tích học rất tốt. 

Nói là làm, Tểnh luyện tập di chuyển bằng đôi tay của mình. Ngày ngày, Tểnh ra vườn đuổi theo con gà, con vịt để giúp bàn tay vững chãi hơn. Không biết bao nhiêu giọt mồ hôi đã rơi, bao nhiêu lần bàn tay rỉ máu, nhưng Tểnh chưa bao giờ bỏ cuộc. Ròng rã tập luyện suốt 4 năm, cuối cùng cậu bé ấy cũng dùng tay thuần thục như chính đôi chân. Tểnh đã có thể đi được những đoạn đường xa, dùng tay đẩy cả cơ thể lên phía trước. 

Khi đã có thể đi lại bằng đôi tay, Tểnh ngập ngừng xin bố mẹ được tiếp tục đến trường đi học như các bạn. Không nỡ từ chối đề nghị của đứa con vốn đã chịu thiệt thòi, vợ chồng ông Mùa Vả Rê đành phảiđồng ý. Những ngày đầu, Tểnh còn được bố mẹ cùng đến trường, nhưng sau đó do công việc nương rẫy bận rộn, họ chẳng thể thu xếp thời gian để đưa đón con như trước. Vậy là Tểnh phải tự bước đi trên đôi tay của mình. 

Đôi tay vượt đèo dốc tìm con chữ

Ngay chính bố mẹ của Tểnh cũng không ngờ con mình sẽ chăm chỉ đến trường học được lâu như vậy. Ông Mùa Vả Rê tâm sự: “Con không đi được như người ta, chịu nhiều thiệt thòi nên chúng tôi thương lắm. Vì thế, khi con đòi đi học, gia đình lúc đầu đồng ý cho con vui thôi, không nghĩ con sẽ theo được lâu dài như vậy. Hiện nay, Tểnh vẫn rất chăm chỉ đi học, lại học giỏi nữa chứ”, ông Rê tự hào về con.

Kể về những ngày tháng đến trường gian khổ của con, ông Rê cho hay, những ngày đầu Tểnh đi rất chậm. Chặng đường từ nhà đến trường không quá xa nhưng lại gập ghềnh đá, mỗi khi trời mưa thì vô cùng trơn trượt khiến em đi lại khó khăn. Nhưng mặc cho trời mưa gió, nắng gắt, hay lạnh buốt, Tểnh vẫn cứ đến trường. Mới đầu chưa quen nên mỗi bước chân đi của em còn chậm, nhưng sau này thì Tểnh thành thục hơn. 

Nói về sự ham học của Tểnh, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hòa chia sẻ: “Có hôm trời mưa, tôi đi xe máy lên dốc mà tưởng chừng như xe bị lật ngửa ra sau. Dốc dựng đứng thế mà Tểnh cứ đều đặn, miệt mài vượt qua để tới lớp” - cô Hòa chia sẻ thêm.

Do đặc thù vùng cao nên cuộc sống của người dân Na Ngoi hầu như gia đình nào cũng khó khăn. Bà concũng không khuyến khích con em đến trường, chuyện học sinh bỏ học thường xảy ra. Mỗi khi bước vào năm học mới, các thầy cô giáo lại kết hợp với chính quyền địa phương phải vận động phụ huynh, dỗ dành học sinh đến lớp. Nhưng với em Mùa Bá Tểnh là một sự khác biệt.

Lúc đầu, thấy Tểnh đến lớp bằng đôi tay, nhiều người cảm phục nhưng có suy nghĩ chắc em cũng chỉ theo được một thời gian rồi bỏ. Thế nhưng, thời gian trôi qua hằng năm, nhiều học sinh đã bỏ học, sau đó được vận động đến trường, nhưng rồi lại tiếp tục bỏ học. Chỉ riêng Mùa Bá Tểnh vẫn chăm chỉ ngày ngày đến lớp. Tểnh là tấm gương sáng cho các em học sinh vùng cao về sự ham học.

Không chỉ gương mẫu trong việc đến trường, Tểnh còn được đánh giá là học sinh có học lực tốt. Các đồ dùng, sách vở của em luôn được giữ gìn sạch sẽ, chữ viết nắn nót. Với những cố gắng của mình, 5 năm liền, Mùa Bá Tểnh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Trong các cuộc thi do nhà trường tổ chức em luôn là người đạt giải cao.

Ham học lại học giỏi, nhưng khi nói về ước mơ của mình, Tểnh lại ngập ngừng cho biết, dù rất muốn được đi học nhưng gia đình quá khó khăn,Tểnh sợ việc học sẽ bị gián đoạn, nhất là khi sắp tới em sắp chuyển cấp, quãng đường đến trường càng xa hơn. Trước khó khăn ấy, Tểnh dự định sẽ xuống thành phố học nghề gì đó để có thể tự nuôi bản thân.

Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết, hoàn cảnh của em Mùa Bá Tểnh khó khăn thì nhiều thầy cô biết. Dù chân bị liệt, nhưng em Tểnh luôn là tấm gương sáng về nghị lực và học tập, em là tấn gương không chỉ các bạn trong trường mà các học sinh toàn huyện noi theo. Biết hoàn cảnh khó khăn của em, chúng tôi cũng yêu cầu nhà trường luôn theo dõi, chăm sóc và động viên em tới trường học tập kiến thức và thực hiện được ước mơ của bản thân. 

Đọc thêm