Có một sông Thương chảy vào thơ

(PLVN) - Đất nước mến yêu, những dòng sông luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những áng văn thơ, nhạc, họa. Không có ai đi hết những con sông. Cũng chẳng có ai dám khẳng định đã sáng tác hết các đề tài về sông. Kể cả dòng Thương, ai đến thì yêu, ai xa thì nhớ. 
Dòng sông thương nhớ (ảnh minh họa)
Dòng sông thương nhớ (ảnh minh họa)

Khách đến Bắc Giang không chỉ được thết đãi bằng tấm thịnh tình của mảnh đất hiếu khách, mà sẽ được đắm trong miền văn hóa đặc sắc cũng như được trò chuyện với những dòng sông thân yêu. Mà đắm với sông Thương, hiểu và tức cảnh sinh thơ thì hẳn sẽ được những vần thơ đọng lại. Ngay như thời tuổi trẻ, vì yêu câu quan họ làng cổ mà đến với Thổ Hà, yêu những nghệ sĩ nông dân chân chất mà đến với làng Then (xã Thái Đào).

Hay yêu sông Thương chảy từ tít miền Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn), qua Bố Hạ, Lạng Giang, Yên Dũng rồi về hợp lưu với sông Thái Bình mà thích ngắm dòng trôi. Yêu sông thì tìm hiểu về sông, đời sống bà con đôi bờ. Với bản tính cả xúc cảm, dòng sông đã khiến tôi sinh thơ: “Qua dòng sông thương em/ Câu hát Bố Hạ trao anh mùa xuân trước/ Nước vẫn chảy làm sao mùa đứng lại/ Nên bây giờ màu mắt vẫn sông Thương…”.

Đó là những câu thơ tuổi thanh niên vụng dại. Nhưng đâu chỉ dừng ở đó. Tôi đã có gia tài gần chục bài thơ, đôi mắt thiếu nữ bên dòng sông. Trong niềm hứng khởi mến yêu, tôi đã tự làm khảo sát của mình và đi đến một kết luận, thiếu nữ sống ở những ngôi làng hai bên bờ sông đều nết na, thảo hiền. Phải chăng dòng sông hiền hòa nên lan tỏa đến nết đất nết người? Phải chăng sông yêu đồng, yêu đất nên đã dưỡng nuôi những cánh đồng, mùa màng bằng dòng nước ngọt mát?

Sông quê (ảnh internet)
 Sông quê (ảnh internet) 

Sau này, đi nhiều, đọc nhiều, mới vỡ lẽ ra sông Thương đã đi vào thơ của nhiều nhà thơ nổi tiếng. Nhiều văn nghệ sĩ không phải người dân vùng Kinh Bắc, nhưng yêu nên viết về sông Thương. Từ thời nhạc sĩ Đặng Thế Phong đa tài, sông đã trôi êm đềm trong dòng thơ và ca khúc ông. Rồi đến Tản Đà, Lưu Quang Vũ,Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Đồng Đức Bốn…

Mỗi người một vẻ, một niềm cảm hứng, nhưng tựu chung tình yêu sông, yêu quê hương đất nước và dấy lên cảm thức nhân tình thế thái. Cách đây nhiều năm, nhạc sĩ Nguyễn Thái Long đã kể chuyện về chàng nhạc sĩ gốc Nam Định tài hoa - Đặng Thế Phong. Chính từ cảm thức về dòng sông, ông đã viết những ca từ đầy thổn thức để làm nên “Con thuyền không bến” (năm 1940). “Lướt theo chiều gió một con thuyền theo trăng trong/ Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng/ Biết đâu bờ bến, thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu/ Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu”.

Tháng 6/1942, tại Nhà hát lớn Hà Nội, bài hát lần đầu tiên được nữ ca sĩ Vũ Thị Hiển trình bày làm xôn xao dư luận. Năm 1966, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã viết thơ, trong đó có đoạn: “Sao tên sông lại là Thương/ Để cho lòng anh nhớ?/Người xưa bảo đây đôi lòng lệ nhỏ/ Những suối buồn gửi tới mênh mang/ Đò về Nhã Nam/ Đò qua Phủ Lạng/ Mưa chiều nắng rạng/ Đã bao năm?/ Nỗi đau cũ thật không cùng/ Sông cũng thành nước mắt…”.

Rồi Hoàng Cầm viết bài “Nước sông Thương” cũng với mối tình chị - em đầy xa xót: “Em vắt quả cam vàng đầu ngọn sông Thương/ Mắt tròn cối xay/ Chẳng bao giờ ngủ trước sao mai”. Đến bài “Chiều sông Thương” Hữu Thỉnh, ông vẽ nên bức tranh cảnh sắc của cuộc sống mới, ấm no, đầy hy vọng. Lời thơ ông rất gợi: “đám mây trên Việt Yên/ rủ bóng về Bố Hạ/ lúa cúi mình giấu quả/ ruộng bời con gió xanh”…

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm thì có "Sông Thương tóc dài" với hình tượng sông Thương cực kỳ lay động và ám ảnh: "Mai đành xa sông Thương tóc dài/ Muôn kiếp tình yêu anh gửi lại..." Dòng sông yêu dấu gợi nhớ gợi thương như chính cái tên của nó trở thành một nỗi ám ảnh, khắc khoải về một tình yêu xa vuột tầm tay: "Mai đành xa sông Thương thật thương/ Mắt nhớ một người, nước in một bóng/ Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng/ Anh một mình náo động, một mình anh."

Qua tìm tòi, gặp gỡ, tôi cũng biết sinh thời nhà thơ Anh Vũ, nhà thơ Duy Phi… đã viết nhiều thơ về Bắc Giang. Nhiều hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang cũng đã có thơ về dòng sông và sẽ còn tiếp tục công bố trên các phương tiện thông tin.

Đặc biệt, nhà thơ Anh Vũ đã sáng tạo ra khu vườn tượng ở xóm nhỏ Tân Mới, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang. Ông ngụp lặn trong vùng văn hóa Kinh Bắc, sự nền nã của những con sông chảy qua Bắc Giang. Xung quanh nhà ông là cánh đồng, nơi diễn ra những công việc của nhà nông. Ngày đó, ông bảo mình sinh ra từ làng quê, nên cái văn hóa làng quê “ngấm” vào. Suốt bao năm tháng và đến cuối đời, ông vẫn sống với những điều gần gũi, giản dị đó.

Đó là đất nung, vườn tượng, cánh đồng và thơ. Anh Vũ rất thích khám phá và tìm hiểu về trầm tích của sông Thương để có cảm hứng làm thơ. Có lần nhà thơ tìm đến tận nhà ông Vũ Văn Lập - người sưu tầm cổ vật đáy sông Thương ở thôn Đồi Lánh, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế để tận mắt thấy sự giàu có của đáy sông sâu.

Cũng có lần, sau chuyến đi xa trở về nhà ông nằm mơ thấy một hình bóng giai nhân nào đó vừa chợt gặp nhưng cũng đủ làm lòng xao xuyến, rồi sinh thơ: “Em khép kín/ Cá tính riêng vùng non nước/ Buồn nỗi gương soi đẹp cùng ai/ Ngày đêm rỗng trời/ Về đâu cơn bấc cơn nồm thổi mãi...”

Sông Thương tự hào là dòng sông đẹp, gợi cảm hứng cho thơ ca. Hơn thế, sông còn chảy vào… thơ, để những dòng thơ, bài thơ tiếp tục được sinh sôi.Nhất là vào những ngày xuân, cảm hứng thơ ca lại dạt dào. Sông Thương sẽ được chảy miết trong thơ của những con người tài hoa.Sông biết ơn người, vì người chắp nối cho sông cất lời. Ngược lại, người cũng biết ơn sông bởi hồn sông và vẻ đẹp trữ tình đã gợi cảm hứng cho mạch xuân, mạch thơ tuôn chảy. 

Đọc thêm