Lần đầu trong lịch sử Nhật Bản: Bộ trưởng Môi trường nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con!

(PLVN) - Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi trong những ngày qua trở thành tâm điểm chú ý với quyết định nghỉ chế độ thai sản khi vợ ông sinh con đầu lòng. Ông Koizumi được kỳ vọng sẽ trở thành tấm gương tốt cho đàn ông tại Nhật Bản - nơi những ông bố thường hiếm khi nghỉ khi vợ sinh con.
Lần đầu trong lịch sử Nhật Bản: Bộ trưởng Môi trường nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con!

Quyết định mang ý nghĩa lớn

Giữa tháng 1 vừa qua, ông Koizumi thông báo vợ ông đã sinh con trai đầu lòng. Trong một tuyên bố, ông Koizumi cho biết ông sẽ nghỉ phép 2 tuần trong vòng 3 tháng sau khi vợ ông sinh con. Như vậy, ông Koizumi sẽ là bộ trưởng đầu tiên ở Nhật Bản thực hiện quyền nghỉ thai sản. Vị Bộ trưởng cho biết, quyết định nghỉ thai sản được ông đưa ra sau khi nghiên cứu kỹ về những ảnh hưởng của việc phải chăm con một mình đối với vợ ông. 

Dù ông Koizumi (38 tuổi) chỉ nghỉ chế độ thai sản 2 tuần nhưng quyết định của ông được đánh giá là có ý nghĩa rất lớn ở Nhật Bản. Bởi theo xếp hạng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước có quy định về thời gian nghỉ việc chăm sóc trẻ em của những người cha nhiều hơn bất kỳ quốc gia quốc gia giàu có nào khác trên thế giới, kể cả các quốc gia ở khu vực Scandinavi.

Theo luật pháp Nhật Bản, cả nam giới và phụ nữ ở nước này đều có quyền được nghỉ làm 1 năm sau khi có con. Các bậc cha mẹ không được đảm bảo sẽ được chủ lao động của họ trả tiền nhưng họ được nhận trợ cấp của chính phủ khi nghỉ chế độ thai sản. 

Thế nhưng, đó chỉ là trên giấy tờ. Còn trên thực tế, theo số liệu thống kê chính thức được Chính phủ Nhật Bản công bố, trong năm 2018, chỉ có 6,16% nam giới ở Nhật Bản quyết định thực hiện quyền nghỉ thai sản khi vợ sinh con. Tỉ lệ này đối với phụ nữ là 82%. Lý do của tình trạng này được cho là do văn hóa làm việc nhiều áp lực ở Nhật Bản.

Bộ trưởng môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi
 Bộ trưởng môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi

Bà Yumiko Murakami - người đứng đầu Trung tâm Tokyo của Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) - cho biết, xã hội Nhật Bản hiện vẫn chưa hoàn toàn có khái niệm cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Đàn ông ở Nhật Bản thường được kỳ vọng sẽ thể hiện sự trung thành tuyệt đối với chủ lao động của mình, thường là phải đánh đổi bằng thời gian dành cho gia đình.

Với các chính trị gia, việc dành thời gian cho gia đình cũng rất eo hẹp. Các chính trị gia nữ (chiếm chưa đến 14% trong Quốc hội Nhật Bản) lại càng khó cân bằng giữa chính trị và việc chăm sóc con cái. Khi bà Megumi Kaneko (nghị sĩ của Hạ viện Nhật Bản) sinh con vào năm 2016, bà cũng đã nghỉ thai sản trong một thời gian ngắn. Ngay khi trở lại công việc, bà đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì sử dụng xe công để đón con tại nhà trẻ. Còn nữ nghị sĩ Takako Suzuki khi thông báo việc mang thai vào năm 2017 cũng đã bị chỉ trích là đã không hành động như một nghị sĩ có trách nhiệm.

Những người làm việc trong khu vực tư nhân ở Nhật Bản cũng phải đối mặt với nỗi lo rằng sự nghiệp của họ có thể bị ảnh hưởng. Hồi năm ngoái, một người đàn ông ở Nhật Bản đã đệ đơn kiện nơi làm việc, cáo buộc công ty này đã cố tình “đì” ông sau khi ông nghỉ chế độ thai sản 2 lần trong các năm 2015 và 2018.

Báo cáo gần đây của Diễn đàn kinh tế thế giới cho hay, thời gian làm những công việc không được trả lương như việc nhà của phụ nữ ở Nhật Bản nhiều gấp 4 lần nam giới.

Thời gian, công sức và nguồn lực mà phụ nữ Nhật Bản dùng để làm những công việc đó khiến sự tham gia của họ tại nơi làm việc hay chính trường bị phân tán đáng kể. Quyết định của ông Koizumi cũng trở nên đáng chú ý trong bối cảnh tỉ lệ sinh ở Nhật Bản đang giảm. Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản hồi tháng trước cho hay, tỉ lệ sinh ở Nhật Bản trong năm 2019 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi báo cáo này được ghi nhận vào năm 1899.

Tiền lệ tốt

Quyết định thực hiện quyền nghỉ thai sản của Bộ trưởng Koizumi càng đáng chú ý hơn khi ông Koizumi chính là con trai của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi và vẫn được nhiều người xem là một ứng viên Thủ tướng tiềm năng trong tương lai. “Thành thật mà nói, tôi cũng đã rất trăn trở nghĩ xem mình phải làm thế nào để vừa nghỉ chế độ thai sản nhưng cũng vẫn đảm bảo thực thi nhiệm vụ của một bộ trưởng.

Song, chúng ta cần phải thay đổi không chỉ hệ thống mà còn phải thay đổi cả không khí. Quyết định nghỉ chế độ thai sản của tôi được đưa tin dày đặc trên truyền thông nhưng tôi hy vọng rằng trong tương lai, chúng ta sẽ có một xã hội mà việc các chính trị gia hưởng chế độ nghỉ thai sản sẽ không còn là điều gì đáng chú ý”, Bộ trưởng Koizumi nói. 

Theo ông Shinjiro Koizumi, để có thể cân bằng giữa gia đình và công việc, trong thời gian nghỉ phép, ông sẽ sử dụng thư điện tử và tiến hành các cuộc họp qua video nhiều hơn. Cùng với đó, ông cũng có thể sẽ đề nghị cấp phó thay mặt dự các cuộc họp nếu cần thiết. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ không bỏ các hoạt động quan trọng, ví dụ như các cuộc họp của quốc hội. Hồi năm ngoái, ông Koizumi cũng đã khiến dư luận xôn xao khi nói sẽ cân nhắc ý tưởng nghỉ thai sản.

Bộ trưởng môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi và vợ.
 Bộ trưởng môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi và vợ.

Thông báo nghỉ chế độ thai sản từ ông Koizumi đã dấy lên những hy vọng về sự thay đổi tại Nhật Bản. Theo các chuyên gia, vai trò của những người cha trong các gia đình ở Nhật Bản ngày càng trở thành tâm điểm chú ý khi số trẻ sinh ra ở nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ thế kỷ 19, mà theo một số nhà phân tích, nguyên nhân của tình trạng tỷ lệ sinh thấp ở nước này một phần là do gánh nặng của các bà mẹ.

Đa số phụ nữ ở Nhật Bản vẫn đảm nhận phần lớn trách nhiệm chăm sóc trẻ em dù cũng phải đi làm như nam giới. Bà Yumiko Murakami - người đứng đầu Trung tâm Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Tokyo - cho rằng, nếu có nhiều người cha làm theo ông Koizumi, các bà mẹ có thể được giảm bớt gánh nặng của việc nuôi dạy con cái và sẵn sàng sinh thêm con. 

“Nếu các ông bố nghỉ phép và giúp vợ khi sinh em bé, có thể các bà vợ sẽ nhận được nhiều hỗ trợ hơn trong các công việc nhà và họ có thể quyết định sinh con thứ 2 hoặc thứ 3. Vì vậy, đây là một dấu hiệu tốt cho thấy mọi thứ đang bắt đầu thay đổi ở Nhật Bản, sự hay đổi chậm nhưng chắc chắn”, bà Murakami nói.

“Đó là một tiền lệ tốt”, nhà khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo Koichi Nakano cũng nhận định. Là 1 phần của chương trình thúc đẩy việc làm cho nữ giới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đang tìm cách khuyến khích nhiều nam giới nghỉ thai sản hơn còn các doanh nghiệp tạo ra môi trường giúp nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn.

Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản - ông Koizumi là bộ trưởng trẻ thứ 3 trong nội các Nhật Bản kể từ Chiến tranh thế giới đến nay. Theo Japan Times, ông Koizumi có bằng thạc sỹ ngành khoa học chính trị từ Đại học Columbia ở New York, từng là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đóng tại Washington. Ông này được bầu vào Hạ viện hồi 2009, trở thành người thế hệ thứ 4 của gia tộc Koizumi được bầu vào Quốc hội Nhật. Ông Koizumi thời gian qua đã xây dựng được hình ảnh của bản thân như một nhà cải cách trong đảng cầm quyền và được nhiều người mến mộ. 

Đọc thêm