Ngôi chùa cưu mang hàng chục trẻ mồ côi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chùa Hải Sơn ở thôn Lệ Uyên (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) được biết đến là nơi cưu mang nhiều trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới chào đời. Ở nơi này, các cháu được lớn lên trong tình yêu thương, sự chăm sóc của các sư cô, được học hành như bao đứa trẻ khác.
Chùa Hải Sơn.
Chùa Hải Sơn.

Mái ấm của trẻ mồ côi

Từ khi thành lập năm 1998 đến nay, thực hiện phương châm tốt đời đẹp đạo, chùa Hải Sơn luôn tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, nhằm góp phần cùng Nhà nước làm tốt công tác từ thiện, tạo điều kiện cho các em ổn định đời sống trong sự yêu thương, chăm sóc thể chất và tinh thần. 

“Chùa đang nuôi dưỡng gần 50 trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nơi đây, các con được lớn lên trong tình yêu thương, nâng đỡ, dìu dắt của các sư cô và chính bản thân các con luôn biết nương tựa, đoàn kết với nhau như gia đình ruột thịt”, sư cô Thích Nữ Minh Chơn - Trụ trì chùa Hải Sơn cho biết.

Nhớ lại những lần nhận nuôi trẻ, sư cô Minh Chơn kể, vào một đêm tháng 8/2006, khi mọi người đã ngủ say, sư cô ngồi đọc sách thì bỗng nghe tiếng trẻ khóc từ ngoài cổng chùa. Thấy lạ, sư cô ra xem thì phát hiện một trẻ sơ sinh khoảng 2 tháng tuổi đang nằm khóc ngặt nghẽo. Đính trên người cháu là tờ giấy với những dòng chữ nghiêng vẹo: “Đứa con này sinh ra không mong muốn… bị người yêu phụ bạc, tôi không có điều kiện nuôi dưỡng. Nay nhờ nhà chùa nhận nuôi giúp”.

Sinh ra đã thiếu cân, lại bị bọc sơ sài trong một tấm khăn mỏng, phơi mình hàng giờ trong sương đêm giá lạnh nên khi đem vào phòng, thân người của bé lạnh toát, tím tái, hơi thở yếu dần, sinh mạng cháu lúc ấy chẳng khác gì “chỉ mành treo chuông”. Những ngày sau đó, các sư cô thay nhau thức cả ngày lẫn đêm để săn sóc từng giọt sữa, giấc ngủ cho cháu. Nhờ sự chăm sóc tận tình của các sư cô, cháu dần dần bình phục. Sau này, cháu gái đó được đặt tên là Phan Nguyễn Bảo Ngọc.

Những em bé mồ côi được nuôi dạy ở chùa Hải Sơn.
Những em bé mồ côi được nuôi dạy ở chùa Hải Sơn. 

Câu chuyện về cậu bé kháu khỉnh Phan Nguyễn Bảo Trung cũng thật đáng thương. Trung bị bỏ lại trước cổng chùa khi cháu còn chưa rụng rốn. Cậu bé khó nuôi, cứ vài ba hôm lại ốm, cơ thể tím tái. Hồi ấy, các sư cô phải liên tục thay phiên nhau bế bồng, cứ hễ đặt xuống giường là cháu khóc mãi không thôi. Nhiều hôm cháu lên cơn sốt cao, các sư cô lòng lo lắng không yên, sợ cháu không qua khỏi. 

Một thời gian sau, các sư cô đành gửi cháu cho một người trông trẻ bên ngoài với số tiền công nuôi là 600 nghìn đồng mỗi tháng. Người trông trẻ nuôi được vài ba tháng, nhà chùa hết tiền nên phải bế Trung về. Bây giờ, Trung được 8 tuổi, ngoan hiền, khỏe mạnh không còn ốm yếu như trước đây.

Các cháu đều được khai sinh theo họ Phan và Nguyễn. Đây là họ trước khi xuất gia của sư cô Thích Nữ Minh Chơn và sư cô Thích Nữ Minh Kỉnh. Những ngày đầu nuôi các cháu, các sư cô vấp phải không ít những định kiến xã hội, trong đó có người nửa đùa nửa thật: “Các sư cô ra ngoài làm gì mà có nhiều con đến thế không biết”, cay nghiệt hơn, có người buông lời ác ý: “Đây đều là con rơi, con rớt của các sư cô trước khi cắt tóc đi tu chứ làm gì có chuyện trẻ bị bỏ rơi”.

Vì những lời dị nghị trên nên có một khoảng thời gian, chùa Hải Sơn gần như vắng bóng phật tử, số người đi cúng dường cũng ngày một thưa thớt. Theo thời gian, mọi người cũng hiểu ra sự thật nên bắt đầu tìm lại chùa.

“Các sư cô buồn lắm nhưng chẳng ai lên tiếng thanh minh, bởi nghĩ đi nghĩ lại mình đâu có làm điều gì trái đạo nên cũng không bận tâm. Cuối cùng thì mọi người đều hiểu ra sự thật”, sư cô Minh Chơn tâm sự.

Tất cả vì tương lai của các con

Dù không có quan hệ máu mủ nhưng các sư cô ở đây đều yêu thương các cháu hết mực. Nhìn cách họ chăm sóc cho các cháu, chúng tôi cảm phục sự chịu thương chịu khó của những sư cô yêu trẻ ấy. 

Mỗi lần cho các cháu ăn uống là cả một sự kỳ công. Đối với những bé còn nhỏ, cứ 3 tiếng đồng hồ các sư cô cho uống sữa một lần, bất kể trời sáng hay tối khuya. Nhiều cháu tuy mắt còn nhắm nhưng miệng vẫn uống sữa một cách ngon lành. Khi cho các cháu ăn, sư cô phải hát, làm mặt cười, thậm chí là làm bộ bỏ đi sau mỗi lần đút một muỗng cơm để các cháu ăn được hết khẩu phần. 

“Mỗi khi trái gió trở trời, các cháu lại đổ bệnh, ngoài việc cho uống thuốc, sư cô phải thay phiên nhau đắp khăn ướt lên trán, thoa chanh khắp người bé để hạ sốt. Có lần giữa khuya, dù đã làm hết cách nhưng người một cháu vẫn nóng hầm hập, hốt hoảng, sư cô vội vàng ẵm bé cứ thế chạy bộ hơn 2 cây số tới Trạm Y tế xã Xuân Phương cầu cứu các y, bác sĩ”, sư cô Minh Chơn bộc bạch.

Các cháu luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng xã hội.
Các cháu luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng xã hội. 

Hơn 20 năm tiếp nhận những đứa trẻ mồ côi, chùa Hải Sơn trở thành điểm tựa, mái nhà cho hàng chục cháu nhỏ thiếu vắng tình thương. Đảm đương chuyện chăm sóc, nuôi dưỡng với bấy nhiêu đứa trẻ vốn không phải là việc dễ dàng. Thế nhưng qua lời chia sẻ của sư cô Minh Chơn, mọi khó khăn, vất vả lại nhẹ hẫng như mây trời, rằng: “Đều là những vất vả vì tương lai tốt đẹp hơn của các con, nên mình lấy vất vả đó làm niềm vui”.

Những người có trách nhiệm ở ngôi chùa này luôn nghĩ đến việc cuộc sống tự lập của các cháu sau này khi rời khỏi chùa nên việc giáo dục kiến thức, đạo đức cho các cháu, nhằm hình thành nhân cách tốt của một công dân là mục tiêu hàng đầu. Các cháu được tiếp cận kiến thức phổ thông của nền giáo dục có hệ thống, khoa học sớm nhất. 

Sư cô Minh Chơn bảo, nếu không có kiến thức thì dù nuôi dưỡng đến mấy, sau này các cháu cũng không thể có một tương lai tươi sáng hơn được. Vì thế, các sư cô thường dạy cho các cháu câu: “Duy tuệ thị nghiệp”, tức là duy trì trí tuệ để cố một sự nghiệp tốt đẹp. 

Ở đây, các cháu còn được trang bị sách, báo, tạp chí, ti vi để đáp ứng nhu cầu giải trí và thông tin. Vào các dịp lễ lớn, nhà chùa còn tổ chức chương trình lễ hội, giao lưu với phương châm “an vui - tiết kiệm - hữu ích”. 

Ngoài ra, những chương trình ngoại khóa cũng được các sư cô tổ chức với mong muốn cho các cháu gần gũi, biết chia sẻ cùng nhau và có cơ hội hòa nhập với xã hội, để đáp ứng đầy đủ nhất quyền lợi của các cháu một cách bình đẳng như mọi trẻ em khác. Các hoạt động này luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng.

“Các cháu ở đây luôn khát vọng tình yêu thương, sự quan tâm giúp đỡ từ những trái tim nhân hậu của tất cả mọi người, có như vậy các cháu mới không bị bao vây bởi những mặc cảm, tự ti. Tôi tin rằng, mai này chính các cháu sẽ là những người biết yêu thương, chia sẻ đến với tất cả những cuộc đời kém may mắn trong xã hội”, sư cô Minh Chơn chia sẻ.

Chia tay ngôi chùa, trong lòng chúng tôi rất ấm áp khi thấy các cháu hồn nhiên nô đùa, cháu nào cũng khỏe mạnh, dễ thương, ngoan ngoãn cúi đầu chào tiễn khách. Với các sư cô, có thể nhiều lúc mệt mỏi vì chăm sóc các cháu nhưng vẫn luôn dành vòng tay ấm, tình yêu thương cho những phận đời bé nhỏ. Có tận mắt thấy các cháu khỏe mạnh hay ốm đau được chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, mới thấm được cái tình, cái nghĩa và sự kiên nhẫn của những sư cô nơi đây. 

Đọc thêm