“Salon tóc” không đồng ở ngôi trường làng

(PLVN) - Với mục đích giúp các em học sinh nghèo giảm bớt phần chi phí, các thầy giáo của một ngôi trường cấp 2 ở Hà Tĩnh đã đưa ra ý tưởng “hiệu cắt tóc 0 đồng”. Sau thời gian thực hiện, thành quả mà các thầy nhận được còn nhiều hơn mong muốn ban đầu khi thầy trò được gắn kết, học sinh biết yêu thương, nhường nhịn nhau.
“Salon tóc” không đồng ở ngôi trường làng

Tiệm cắt tóc không tên, không đồng

Không biển quảng cáo sặc sỡ, chỉ vài chiếc ghế nhựa, bộ đồ nghề đơn sơ, chiếc lược và tấm vải trùm…nhưng tiệm cắt tóc nằm một góc nhà xe của trường THCS Thụ Hậu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) lại trở nên đặc biệt suốt hơn 2 tháng nay. Đặc biệt khi “thợ” cắt tóc chính là các thầy giáo dạy học trong trường, còn “khách” là các em học sinh.

Là người đưa ra ý tưởng này, thầy Đặng Hữu Tường - Hiệu trưởng trường THCS Thụ Hậu chia sẻ, vào tháng 10 khi vừa bắt đầu năm học, rất nhiều nam sinh đến trường với bộ tóc bù xù, không gọn gàng nên bị giáo viên nhắc nhở.

Nhiều em vẫn không chỉnh trang lại đầu tóc nên bị thầy gọi lên phòng để hỏi lý do. Khi nghe các em trình bày hoàn cảnh khó khăn, gia đình chưa cho tiền đi cắt tóc thầy đã móc tiền túi cho học sinh. Nhưng sau đó, thầy giáo này nghĩ rằng nếu làm cách này lâu dài thì không ổn. Từ đó, vị hiệu trưởng này đã nảy sinh ý tưởng mở tiệm tóc miễn phí để cắt cho học sinh.

Lúc đầu, trong cuộc họp đầu tuần, thầy hiệu trưởng đưa ra ý tưởng này và ý định sẽ thuê người ngoài mỗi tuần vào trường cắt. Nhưng khi vừa bàn đến chuyện thuê thợ ngoài vào, 4 thầy giáo dạy trong trường liền xung phong sẽ làm thợ cắt tóc cho học sinh. 

Rất đông học sinh xếp hàng đợi đến lượt các thầy cắt tóc.
Rất đông học sinh xếp hàng đợi đến lượt các thầy cắt tóc. 

Thầy Tường cho biết rất vui khi vừa đề xuất ý tưởng đã nhận được sự đồng tình của các thầy cô giáo. “Khi tiệm đưa vào hoạt động, học sinh, phụ huynh rất vui vì ở vùng nông thôn đa phần học sinh nơi đây có hoàn cảnh khó khăn. Riêng chi phí mở tiệm cắt tóc này không cao, nhưng nó mang một ý nghĩa quan trọng không chỉ riêng cắt tóc cho các em học sinh”, thầy Tường chia sẻ.

Lúc tiệm mới vào hoạt động, do chưa có dụng cụ nên các thầy thường đưa đồ nghề ở nhà đi. Dù là những người thợ cắt tóc không chuyên, nhưng đường kéo của các thầy giáo không thua thợ lành nghề. Do đó, cứ đến lịch, hiệu cắt tóc này luôn thu hút một lượng khách nhất định. 

Vừa chăm chú cắt tóc cho một nam học sinh, thầy Lê Xuân Hùng (giáo viên môn Sinh Hóa) chia sẻ, thời theo học sư phạm vì đa số sinh viên đều nghèo nên chúng tôi thường tiết kiệm tiềm. Tôi và các bạn thường cắt tóc cho nhau để tiết kiệm chi phí vì vậy mà cũng có một chút tay nghề. Do đó, khi nghe được chủ trương của lãnh đạo trường, tôi liền xung phong làm thợ cắt tóc cho các em.

Để không ảnh hưởng đến việc học của các em, tiệm cắt tóc tại ngôi trường cấp 2 này mở cửa vào các buổi chiều thứ 2,4,6. “Buổi sáng là giờ học chính khóa nên các em không thể nghỉ được, còn thời gian buổi chiều là giờ học ngoại khóa nên các em có thể linh động hơn”, thầy Hùng chia sẻ về “nghề” phụ của mình suốt hơn 2 tháng nay.

Gắn kết tình thầy trò

Lúc mới “khai trương”, tiệm cắt tóc không thu hút được sự quan tâm của học sinh như ý muốn ban đầu của nhà trường. Nguyên do, vì nhiều học sinh sợ các thầy cắt không đẹp và tâm lý ái ngại. Do đó, thầy hiệu trưởng chính là người xung phong làm “vị khách” đầu tiên mở hàng cho hiệu tóc. Vậy là, khi được tận mắt chứng kiến thành quả của các thầy khiến học sinh trở nên phấn khởi hơn. Các em lần lượt ngồi xuống để các thầy cắt tỉa tóc gọn gàng. Từ đó, cứ đến lịch hẹn, các nam sinh lại háo hức xếp hàng để chờ đến lượt cắt tóc.

Sau một thời gian “hiệu tóc không đồng” đi vào hoạt động, thầy Đặng Hữu Tường cho biết, ngoài việc giúp các em giảm bớt được một phần ít chi phí sinh hoạt, hoạt động này còn mang ý nghĩa quan trọng trong gắn kết trong tình thầy trò.

Bởi, trong quá trình cắt tóc thầy và trò dễ tâm sự, trò chuyện với học sinh hơn. Từ những câu hỏi thăm, các thầy sẽ hiểu rõ hoàn cảnh mỗi em, từ đó có cách giáo dục hợp lý. Nhất là khi lứa tuổi học sinh cấp 2 là thời điểm các em thay đổi về tâm lý nên sự quan tâm của các thầy cô giáo kịp thời sẽ giúp các em phát triển tâm sinh lý tốt nhất. Khi có sự gắn kết trong tình thầy trò sẽ giúp học sinh có thể dễ chia sẻ những cái khó trong bài vở, từ đó thầy giáo sẽ hướng dẫn bổ trợ học tập.

Là một trong những thợ cắt tóc cho học sinh, thầy Bùi Trọng Tạo – Phó hiệu trưởng trường chia sẻ, tiệm cắt tóc không đồng nhằm giảm bớt những khó khăn cho học sinh, đồng thời có thể nhắc nhở các em chỉnh trang lại bản thân khi đến trường. Niềm hạnh phúc nhất khi tiệm cắt tóc không đồng hình thành là được sự đồng tình của phụ huynh rất cao. Mỗi lần về nhà nghe phụ huynh gọi điện đến cảm ơn và khen tóc các em đẹp là những người làm giáo viên như chúng tôi vui mừng.

Dù là những thợ cắt tóc không chuyên, nhưng các thầy cắt khá điệu nghệ, được học sinh tin tưởng.
 Dù là những thợ cắt tóc không chuyên, nhưng các thầy cắt khá điệu nghệ, được học sinh tin tưởng.

Vừa có đầu tóc mới gọn gàng, em Trần Đức Báo (học sinh lớp 6) vui vẻ cho biết đây là lần thức 2 được thầy cắt tóc trong khuôn viên trường. “Trước đây, mỗi lần cắt ở tiệm cũng mất từ 15 đến 20 nghìn đồng nên thỉnh thoảng em mới dám xin tiền bố mẹ để cắt. Từ ngày nhà trường mở tiệm cắt tóc này em không còn phải ra ngoài tiệm nữa. Các thầy cắt không những đẹp mà còn miễn phí nên em rất thích”, em Báo tươi cười chia sẻ.

Cũng là “khách ruột” của hiệu tóc, em Phan Văn Thắng tâm sự, vì hoàn cảnh nên bố mẹ phải đi làm ăn xa, do đó em ở với ông bà. Ông bà lớn tuổi lại trông chờ vào mấy sào ruộng nên cuộc sống khó khăn. Mỗi lần muốn cắt tóc em phải gọi điện vào xin bố mẹ. Vừa thương ông bà, vừa thương bố mẹ nên em khá ngại việc cắt tóc. Nhưng từ ngày nhà trường mở tiệm tóc em không phải xin tiền ông bà, bố mẹ nữa. 

“Giờ cứ tóc tốt em lại xuống nhờ các thầy cắt. Được các thầy cắt tóc em thấy vui, thoải mái vì thầy rất tâm lý, luôn nói chuyện, hỏi thăm gia đình. Em vui khi trở thành khách quen của các thầy”, Thắng cười.

Hiệu cắt tóc 0 đồng mang đến sự vui thích cho các em học sinh cũng khiến cho những người thầy cảm thấy vui vì có thể giúp học sinh của mình. Đây là hoạt động ý nghĩa, có khả năng gắn kết tình cảm thầy trò và khiến các em học sinh trở nên hòa đồng, cởi mở hơn khi tới trường.

Đọc thêm