Sự bảo vệ tin cậy nhất!

(PLO) - Quốc hội đang thảo luận Dự thảo Luật Cảnh vệ. Theo đó,  Dự thảo quy định 18 nhóm đối tượng được cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng. 
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cần bổ sung thêm các đối tượng khác, chẳng hạn như Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh cũng là đối tượng cảnh vệ…

Thực chất sự bảo vệ an toàn nhất là… không cần bảo vệ. Hay nói đúng hơn là lòng dân, sức dân chính là sự bảo vệ số 1. Sẽ chẳng có ai muốn đi “thủ tiêu” những người sống vì mình, bảo vệ mình, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp cũng như các tâm tư, nguyện vọng của mình. Hẳn nhiên xã hội nào cũng có các phần tử cực đoan, thậm chí phản động, nên bảo vệ các yếu nhân là điều cần thiết. Vì bảo vệ họ tức là bảo vệ những tượng đài, những đại diện chân chính và thủ lĩnh tinh thần của nhân dân.

Nhưng làm cán bộ, để trở thành tượng đài trong lòng dân khi và chỉ khi họ thực sự là “đày tớ thật trung thành của dân” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Một lãnh đạo dù bé hay lớn bị dân phản đối chứ chưa nói đến bị đe dọa, việc đầu tiên cán bộ đó phải xem lại mình, chứ không phải đề xuất: Tôi cần cảnh vệ để bảo vệ tôi! Cảnh vệ là để bảo vệ yếu nhân trước những phần tử phản động, cực đoan chứ không phải để đề phòng nhân dân.

Hẳn cũng có những “con chim sợ cành cong” khi ở tỉnh nọ có thuộc cấp xông vào tận phòng lãnh đạo gây án. Nhưng đây chỉ là thiểu số và cũng là bài học trong công tác cán bộ mà chúng ta đã phải nghiêm túc nhìn nhận lại. Không có những mâu thuẫn đỉnh điểm, và không có cách giải quyết nó một cách chính đáng thì sẽ không có những hành động giải quyết mâu thuẫn một cách đối kháng và cực đoan như vậy. Nói cách khác, ở đâu có sự công tâm, liêm chính, minh bạch và nhân văn thì ở đó không có những mâu thuẫn đối kháng dẫn đến các hành động cực đoan.

Cứ về với dân, làm hết mình cho sự phát triển bền vững của địa phương, hiểu dân và thương dân như con thì dân sẽ bảo vệ từng sợi tóc cho lãnh đạo, thậm chí dân còn tạc tượng dân thờ. Hễ có kẻ phản động nào muốn làm hại lãnh đạo, tai mắt của dân nhiều lắm, dân sẽ trói cổ những kẻ tạo phản, chống đối thủ lĩnh của mình để giao cho các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật. 

Vậy nên cán bộ lãnh đạo mà cứ an nhiên mà làm công bộc cho dân thì không phải sợ sệt bất luận mối đe dọa từ bất kỳ thế lực nào…

Đọc thêm