Hàng năm, khi các nhà sản xuất tên tuổi hàng đầu thế giới tụ hội lại tại triển lãm ôtô quốc tế Bắc Mỹ danh tiếng Detroit Auto Show, tất cả đều kỳ vọng về một triển vọng sáng lạn về doanh số bán hàng.
Năm 2010, nước Mỹ nỗ lực hồi sinh sau khủng hoảng, thị trường ôtô lớn nhất nhì thế giới này cũng đạt mức tăng trưởng khả quan 11%, và một tương lai rực rỡ hơn được rất nhiều người tin tưởng dành cho năm 2011. Không chỉ gặt hái thành công tại Mỹ, The Big 3 còn thắng lớn tại Trung Quốc - thị trường hiện được đánh giá là lớn nhất và tiềm năng nhất cho ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu. Hiện tại, hầu hết các dự báo về doanh số bán hàng đều rất khả quan ít nhất là cho tới năm 2015, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung vẫn còn ở mức khiêm tốn.
Ông Ellen Hughes-Cromwick, kinh tế trưởng của Ford Motor nhận định: nền công nghiệp ô tô thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng. Triển vọng lợi nhuận bắt đầu được hình thành sau quá trình cơ cấu lại đầy khó khăn giai đoạn khủng hoảng. Một số chuyên gia trong ngành thậm chí còn khẳng định hiện là thời điểm mà lợi thế cạnh tranh của ôtô Mỹ đạt mức tốt nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
2010: Lợi nhuận được cải thiện
Trước đây một vài năm, chi phí đầu vào cho mỗi chiếc xe của 3 đại gia Detroit thường cao hơn khoảng vài nghìn USD so với các thương hiệu nhập khẩu. Nhưng hiện tại bất lợi đó đã dần được các nhà sản xuất Mỹ loại bỏ. Với sự đóng cửa liên tiếp 19 nhà máy, và cắt giảm một số lượng lớn hợp đồng lao động, chi phí đầu vào của các hãng đã được cải thiện đáng kể. Trong những năm thị trường bùng nổ, The Big 3 vẫn gặp phải thua lỗ đối với nhiều mẫu xe do sai lầm trong chiến lược kinh doanh. Nhưng cơ cấu chi phí mới cùng nhiều lựa chọn hấp dẫn được đưa vào những model mới đang làm thay đổi cục diện thị trường. Năm 2010, General Motors và Ford vừa có những báo cáo về lợi nhuận ròng tốt nhất trong hơn một thập kỷ qua, trong khi Chrysler cũng đang cải thiện tình hình kinh doanh.
Theo một cuộc điều tra của KPMG, hơn một nửa trong số 200 giám đốc điều hành của các doanh nghiệp trong ngành tin rằng GM và Ford sẽ tăng trưởng mạnh trong vòng 5 năm tới, và hầu hết đều tin tưởng rằng Chrysler ít nhất cũng sẽ giữ được thị phần hiện tại, nếu như không gặt hái nhiều lợi nhuận. KPMG thực sự ngạc nhiên với những thay đổi trong quan điểm của các giám đốc điều hành các hãng ôtô nước ngoài bởi “không hề dễ dàng để thuyết phục người ngoài có cái nhìn tích cực về ngành công nghiệp Mỹ". Điều này có lẽ xuất phát từ tình hình thực tế hơn là những kỳ vọng xa xôi thiếu căn cứ.
Tương lai nào cho 2011?
Nhìn chung, tỉ lệ việc làm tại các nhà máy Mỹ đã có những tín hiệu khả quan khi tăng thêm khoảng 37.000 vào cuối năm 2010, tương đương khoảng 6%. Nhưng người ta dự tính khoảng 300.000 việc làm tại các nhà máy ôtô đã bị mất từ năm 2007 đến nay vẫn sẽ khó có khả năng thu hồi trong tương lai gần, ngay cả khi doanh số bán hàng tăng trở lại. Điều đó đồng nghĩa với việc mặc dù hầu hết các chuyên gia đều đồng ý thị trường đang có triển vọng tích cực nhất kể từ năm 2008 nhưng không phải tất cả đều tin rằng Detroit đã hoàn toàn hồi sinh.
Có thể Detroit đã học được từ những sai lầm trong quá khứ. Giai đoạn mù quáng theo đuổi doanh số mà không coi trọng chi phí đã qua. Điều quan trọng vào lúc này là The Big 3 phải chứng minh cho thị trường thấy sẽ không rơi vào vết xe đổ khủng hoảng sản xuất thừa như trong quá khứ và thực sự hiểu tầm quan trọng của lợi nhuận.