“Đạo” ở đây có nghĩa là đánh cắp, từ đánh cắp ý tưởng đến nguyên vẹn một công trình nghiên cứu, chứ không phải phạm trù đạo lý, đạo đức, đạo làm người hoặc tầm sư học đạo gì cả. Cái sự “đạo” vô đạo này dư luận lên án đã từ lâu, kể cả lôi nhau đáo tụng đình cũng có mà nó vẫn không ngừng phát triển, có lẽ môn đệ của đạo này sau khi tập hợp thành một đội ngũ đông đảo đã quyết định dứt bỏ "dây thần kinh xấu hổ".
Ở cái năm cuối cùng của thập kỷ đầu tiên thuộc thiên niên kỷ mới, “đạo” này để lại nhiều dấu ấn trong các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau: Đạo văn, đạo thơ, đạo sách, đạo nhạc, đạo kịch bản, đạo phim, đạo lôgô, đạo tranh...
Một điều rất đáng được coi là hiện tượng của năm đó là một số tác giả (không phải tác thực) được trao giải thưởng (thậm chí cả giải quốc tế), vừa công bố là có người lên tiếng tố cáo cái tác phẩm được trao giải đó là của họ bị đánh cắp.
Có những chuyện “đạo” không thể tin được vì nó quá trắng trợn. Đó là chuyện một tiểu thuyết viết về mối tình tuyệt đẹp của một người Pháp với một phụ nữ Việt Nam dựa trên một câu chuyện có thực. Ít lâu sau, một tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp, được xuất bản tại Pháp (tác giả là người Việt) cũng về đề tài đó và không cần sáng tác gì cả, đơn giản chỉ là dịch từ tiểu thuyết tiếng Việt sang tiếng Pháp, đổi tên tác phẩm rồi đứng tên mình là tác giả, hưởng bản quyền như một tác giả đích thực.
Một việc khác cũng đáng coi là hiện tượng của năm khi các nhà xuất bản “đạo” sách của các tác giả được in trước đó. Cái đạo vô đạo đức nhất là thầy đạo những công trình nghiên cứu của trò mà cũng được trao giải và cũng chính vì giải thưởng được công bố rộng rãi nên trò mới biết.
Hoàn cảnh ra đời, môi trường sống, nguyên nhân sâu xa của sự “đạo”này là gì?. Phải chăng đó là hiệu ứng và “ăn theo” tham nhũng, bởi tham nhũng thực ra cũng là một hành vi đánh cắp: Đánh cắp quyền lực, đánh cắp của cải, đánh cắp thông tin và đánh cắp niềm tin.
Nhị Ngọc