(HPĐT)- Hôm qua 25-10, Quốc hội nghe các tờ trình: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu HĐND; dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp; dự án Luật phòng, chống mua bán người; dự án Luật khiếu nại và các báo cáo thẩm tra. Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu HĐND và dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Tiếp tục giảm thuế cho nông dân
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ mục đích để tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là nhằm quán triệt chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho nông dân; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp. Trong 10 năm tới, đời sống người nông dân còn khó khăn so với mặt bằng chung của xã hội nên miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết và phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và một số đại biểu cho rằng nên tiếp tục miễn giảm trong thời gian nhất định, sau đó phải thu thuế đối với việc sử dụng đất nông nghiệp. Theo đại biểu, người sử dụng tài nguyên đất phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Nhưng chính việc miễn giảm thuế làm nảy sinh vấn đề, người dân không có trách nhiệm với tư liệu sản xuất, sử dụng kém hiệu quả, thậm chí bỏ đất hoang hóa.
Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, miễn, giảm thuế thực chất là chính sách ưu đãi về thuế, nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào lĩnh vực cụ thể, tránh ưu đãi dàn trải, kém hiệu quả. Chỉ nên miễn, giảm thuế theo mục đích sử dụng đất (trồng lúa, làm muối, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp…), phân kỳ sử dụng đất (mới đưa vào sử dụng hoặc canh tác lâu năm) để có chính sách miễn, giảm phù hợp. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị miễn 100% số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp với đối tượng sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích vì số thu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện không lớn, chỉ khoảng 84 tỷ đồng/năm. Việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp sẽ tạo tâm lý đồng thuận trong nhân dân, góp phần khuyến khích nông dân yên tâm sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông”.
Luật sửa đổi chưa toàn diện
Tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ lý do cần sửa Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu HĐND nhằm bảo đảm cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với tình hình hiện nay. Do đó, Luật chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung thật sự cấp bách.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cho rằng: Chủ trương về sửa đổi, bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu HĐND có từ lâu, nhưng thời gian quá gấp, không bảo đảm. Do đó, vấn đề thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường chưa được đề cập trong Luật, việc sửa đổi không toàn diện. Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị bổ sung chế tài xử lý những vi phạm trong quá trình bầu cử để tăng trách nhiệm cá nhân của các bên. Về thời điểm kết thúc cuộc bỏ phiếu, đề nghị có thể tuyên bố kết thúc bỏ phiếu sớm tại các khu vực bỏ phiếu có 100% cử tri đi bỏ phiếu.
Bảo đảm tính khả thi và tính thống nhất
Thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống mua bán người, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nêu rõ: Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người khắc phục được những hạn chế của Bộ Luật Hình sự và Bộ Luật Tố tụng hình sự (hai bộ luật này chỉ quy định việc phát hiện, xử lý đối với hành vi mua bán người tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, còn các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến mua bán người, các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người, các biện pháp phòng ngừa, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng… được quy định tại các văn bản dưới luật).
Dự thảo luật quy định nguyên tắc xử lý, các biện pháp phòng ngừa, việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương… và luật hoá một số quy định về phòng, chống mua bán người được áp dụng và thực hiện hiệu quả. Về cơ bản, dự án Luật Phòng, chống mua bán người bảo đảm tính khả thi và tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Hôm nay 26-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viên chức và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm./.