Sử dụng ngân quỹ nhà nước thay cho ngân sách T.Ư: Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

(PLO) - Thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo chuyên đề của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức chiều qua (21/12).
Phó Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Quang Vinh (đứng) đang thông tin về hoạt động của toàn hệ thống trong năm 2018. Ảnh: TBTC
Phó Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Quang Vinh (đứng) đang thông tin về hoạt động của toàn hệ thống trong năm 2018. Ảnh: TBTC

Theo ông Lê Văn Khoa, Phó Chánh Văn phòng KBNN, năm 2018, trên cơ sở bám sát chủ trương điều hành kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), diễn biến tình hình thị trường tài chính, khả năng thu, chi NSNN, KBNN đã chủ động triển khai công tác điều hành ngân quỹ nhà nước (NQNN) và huy động vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị giao dịch.

KBNN đã kịp thời tham mưu với Bộ Tài chính chủ động điều chỉnh giảm nhiệm vụ phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) và sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để vừa đảm bảo mục tiêu cân đối ngân sách, vừa duy trì mục tiêu phát triển thị trường, ổn định mặt bằng lãi suất chung, tiết kiệm chi phí vay nợ cho NSNN.

Qua đó, KBNN gắn kết quản lý ngân quỹ với quản lý nợ, hỗ trợ tích cực cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, góp phần thực hiện tốt mục tiêu ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

“Với việc sử dụng NQNN cho ngân sách T.Ư vay trong năm 2018 thay cho phát hành TPCP ra thị trường giúp tiết kiệm gần 1.660 tỷ đồng chi phí trả lãi năm 2019 của NSNN. Nếu so với năm 2017, chi phí vay năm 2018 giảm giúp tiết kiệm cho NSNN gần 2.540 tỷ đồng trả lãi hàng năm…” - Phó Chánh Văn phòng KBNN thông tin. 

Liên quan đến lĩnh vực kiểm soát chi NSNN, KBNN đã rút ngắn thời gian kiểm soát chi đối với chi đầu tư  (từ 7 ngày xuống còn 1- 3 ngày làm việc), đơn giản hóa yêu cầu đối với hồ sơ để nghị thanh toán, giảm số lượng mẫu biểu chứng từ thanh toán…

Đối với chi thường xuyên, đã bước đầu xây dựng ngưỡng để thực hiện kiểm soát chi (kiểm soát theo bảng kê nội dung chi, qua đó giảm được 99% tổng giá trị chi thường xuyên); thực hiện kiểm soát chi theo cơ chế khoán chi đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập…

Báo cáo của KBNN cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ, từ năm 2016 KBNN triển khai thí điểm dịch vụ công trực tuyến tại 5 KBNN tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Đến tháng 2/2018, KBNN thực hiện triển khai diện rộng cho 63 KBNN tỉnh, TP.

Trong năm 2018, KBNN cũng thực hiện chỉnh sửa, nâng cấp phiên bản dịch vụ công trực tuyến để đáp ứng được quy trình nghiệp vụ của phương án thống nhất đầu mối kiểm soát chi sửa đổi, đảm bảo rút ngắn tối đa các bước xử lý trên hệ thống dịch vụ công, trên hệ thống TABMIS và hệ thống thanh toán.

Đến nay KBNN đã cung cấp 8/12 thủ tục. Đối với 4 thủ tục hành chính còn lại, KBNN đã có kế hoạch  triển khai và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện để đến hết năm 2019, 100% các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN đều được cung cấp ở mức độ 4.

 “Với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã giảm được đáng kể thời gian đi lại của đơn vị, chủ đầu tư, tiết kiệm được chi phí và đặc biệt hạn chế được tình trạng giả mạo chữ ký, gây thất thoát tiền vốn của NSNN….” - đại diện KBNN cho hay. 

Đọc thêm