Nhiều cha mẹ học sinh xem những thiết bị chống cận thị như là “bảo bối” giúp con mình chống cận thị. Tuy nhiên nếu lạm dụng những sản phẩm này sẽ không có lợi cho sức khoẻ của các em.
Loạn các loại thiết bị chống cận thị
Theo chủ cửa hàng thiết bị điện số 32 Quang Trung (quận Hồng Bàng), hiện nay bán chạy nhất là đèn chống cận thị. Đèn Trung Quốc giá khoảng 70.000- 120.000 đồng / chiếc, đèn do cơ sở trong nước sản xuất giá 90.000 – 165.000 đồng / chiếc, tuỳ kiểu dáng. Một số loại đèn nhập khẩu từ Pháp, Thái Lan giá cao hơn, từ 700.000 đồng đến hơn 1.000.000 đồng / chiếc. Theo lời giới thiệu của chủ cửa hàng, do bóng đèn không toả ánh sáng trắng nên không gây ảnh hưởng đến mắt. Ngoài ra, còn có giá đỡ cằm chống cận thị, bảng chống cận, giá kẹp sách, hộp bút và thước cự ly dạng chữ T dùng để chống vào cằm, nhằm cố định khoảng cách giữa mắt học sinh với mặt bàn; giá bán dao động từ 100.000- 170.000 đồng/ chiếc.
Không nên cho trẻ dùng thiết bị chống cận thường xuyên. |
Chị Ngọc Mai, nhân viên bán hàng cửa hàng Sách & thiết bị trường học phố Nguyễn Đức Cảnh (quận Lê Chân) cho biết, những thiết bị đỡ cằm chống cận này được nhiều phụ huynh mua, nhằm mục đích để các em không thể cúi thấp khi đọc và viết, từ đó tránh được cận thị do nguyên nhân cúi mắt xuống quá gần sách vở khi ngồi học.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số cha mẹ học sinh, các thiết bị chống cận gây cho các em cảm giác đau mỏi cổ và vướng víu khi thao tác viết. Chị Lan Hương( số 19/25 phố Phạm Huy Thông, quận Lê Chân) kể, chị mua bảng chống cận cho con dùng thử, tuy nhiên, chỉ sau vài lần, cháu kêu đau, mỏi cổ vì thanh chữ T chặn ngay ở cổ, nên chị không cho cháu dùng tiếp. Anh Thành Trung ở số 18 khu tập thể xây dựng Thái Phiên (quận Ngô Quyền) cho biết: " Tôi mới mua cho bé chiếc bảng chống cận. Nhưng dùng được vài ngày phải bỏ, vì bảng cao hơn mặt bàn, lại có nhiều tầng lớp, khi để vở lên bảng càng khiến chỗ tập viết của bé không bằng phẳng. Được một lúc, bé đã kêu mỏi cổ tay, các thao tác khác trở nên chậm chạp, vướng thanh chặn của bảng".
Không nên lạm dụng thiết bị
Theo bác sĩ Thế Hùng - Khoa Chấn thương- chỉnh hình (Bệnh viện Hữu nghị Việt -Tiệp), việc gọi các thiết bị này là sản phẩm chống cận thị là không chính xác, chỉ nên gọi là thiết bị hạn chế tật khúc xạ ở trẻ em. Nếu dùng nhiều, bé tì cằm lên thanh lâu quá sẽ gây nhức mỏi vùng cơ xương quanh cằm. Thậm chí, dụng cụ này có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển xương mặt của bé khi dùng trong thời gian dài, đồng thời gây đau mỏi cổ và cánh tay của bé. Hiện nay, các nhà khoa học đã có quy định chuẩn của bàn ghế để khi viết các em không bị mỏi. Bởi vậy, cũng cần xem xét thiết bị này có đạt những tiêu chuẩn đó hay không. Hơn nữa, thiết bị này chỉ giúp các em luyện tập giữ một khoảng cách cần thiết giữa mắt và vở, còn cận thị do nhiều yếu tố gây ra.
Theo lời khuyên của các bác sĩ Khoa Mắt Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng, khi trẻ đã bị cận, cha mẹ nên cho các em dùng thuốc, luyện dần thói quen ngồi đúng tư thế. Cách tốt nhất đề phòng cận thị là cha mẹ cho các em ngồi học với bộ bàn ghế phù hợp, hướng dẫn đặt sách vở cách mặt nhìn khoảng 30-33 cm và cho mắt nghỉ ngơi khoảng 20 giây sau 20-30 phút ngồi học bằng cách nhìn ra xa. Sẽ hết sức sai lầm trong trường hợp cho các em nghỉ giải lao giữa giờ học lại chuyển sang đọc truyện hay chơi game, vì như vậy mắt không được nghỉ. Nơi các em ngồi học phải bảo đảm đủ ánh sáng. Lúc xem ti vi, khoảng cách giữa mắt với ti vi phải bằng 4 lần chiều dài đường chéo màn hình ti vi. Ngoài giờ học các em cần được sinh hoạt ngoài trời để nới tầm nhìn.
Thiết nghĩ, cha mẹ học sinh không nên quá lạm dụng các dụng cụ chống cận thị nêu trên để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”. Tất cả thiết bị chỉ góp phần bổ trợ, quan trọng là cha mẹ và thầy cô giáo cùng quan tâm điều chỉnh tư thế ngồi học đúng cách cho các em từ khi bắt đầu đi học.
Bài và ảnh Thanh Huyền