10 năm Chiến lược biển

(PLO) -Hôm qua (2/10) tại Hà Nội, Hội nghị Trung ương (TƯ) 8 khóa XII chính thức khai mạc. Đây là hội nghị quan trọng vì TƯ sẽ xem xét, thảo luận nhiều nội dung lớn, trong đó có tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của Hội nghị TƯ 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Hội nghị Trung ương 8 khóa XII chính thức khai mạc
Hội nghị Trung ương 8 khóa XII chính thức khai mạc

Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam, chiếm tỷ lệ khoảng 100km2 đất liền/km bờ biển (mức trung bình trên thế giới 600 km2 đất liền/km bờ biển); hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích đất liền). Đó là hạnh phúc lớn của đất nước. Nhiều quốc gia chỉ ao ước có 1 km bờ biển mà đâu có được.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn về tài nguyên biển. Trước hết là nguồn lợi hải sản và tính đa dạng sinh học. Về khoáng sản, biển Việt Nam có khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau (trong đó, dầu khí là tài nguyên lớn nhất ở thềm lục địa nước ta có tầm chiến lược quan trọng); về tiềm năng phát triển du lịch biển thì “có một không hai”.

Một lợi thế quan trọng khác là vùng biển Việt Nam thuộc Biển Đông - một trong những con đường giao thương hàng hải quốc tế nhộn nhịp nhất trên thế giới, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bờ biển mở ra cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam nên rất thuận lợi cho việc giao thương, hội nhập kinh tế biển, phát triển kinh tế hàng hải như: cảng biển, vận tải biển, dịch vụ hàng hải nói riêng và dịch vụ logistics nói chung. 

10 năm có Nghị quyết TƯ 4, chúng ta đã làm được nhiều việc. Nhờ khai thác những lợi thế kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam hiện đang đóng góp khoảng 50% GDP cả nước. Nhưng cũng có nhiều điều quá đáng tiếc. Trong những điều đáng tiếc đó, kinh tế vận tải biển đang gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta từng mơ ước “kết nối những con tàu biển thành những hạm đội” vươn ra biển làm giàu nhưng vận tải biển đang trải qua những năm tháng “bê bét” nhất.

Hệ thống cảng biển và kết cấu hạ tầng ven biển được xác định là ngành cơ bản, quan trọng hàng đầu, có vai trò quyết định trong việc liên kết và thúc đẩy kinh tế, xã hội. Sự hình thành và phát triển của nó gắn với mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt ven biển là cơ sở và là tiền đề quan trọng bậc nhất để hình thành và phát triển hệ thống các khu đô thị cao cấp, các khu công nghiệp, khu chế xuất và các trung tâm du lịch - dịch vụ ven biển đảo. Đáng tiếc, tính kết nối còn vô cùng hạn chế, đất nước chưa có cảng biển nào xứng tầm “trung chuyển quốc tế”. Vẫn là những “chợ nhỏ lẻ” trong “chuỗi toàn cầu”.

Chợt nhớ, Mông Cổ nằm lọt thỏm giữa lục địa, dân số chỉ có 2 triệu người nhưng lại là một “quốc gia hàng hải” trong khi Việt Nam chưa bao giờ. Chỉ riêng quan hệ so sánh này buộc chúng ta phải suy nghĩ./.