6 cháu bé thương vong ở Long An: Đừng đổ tại trời, hãy hỏi trách nhiệm của ngành điện!

(PLO) - Với những tai nạn thương tâm như giao thông, chết đuối, điện giật, cháy nổ thì người Việt hay quan niệm đó là “số trời đã định”. Nhưng liệu “số trời” đó có thể thay đổi khi các cơ quan quản lý chăm chút hơn về sự an toàn trong kinh doanh để bảo vệ tính mạng con người.
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm.
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm.

Một vụ sập trường nếu có học sinh bị thương, hỏa hoạn chết người, tại nạn giao thông thảm khốc thì mọi người vẫn cho rằng đó là “chuyện không may” và việc đầu tiên là gia đình nạn nhân phải gánh lấy hậu quả. Họ cũng không chờ đợi hay kêu cứu, khiếu nại gì đến cơ quan chức năng là lý do vi sao con tôi chết.

Cơ quan quản lý liên quan có chăng cũng thăm hỏi, đền bù một số tiền để mong êm chuyện.Thông tin từ các bé học sinh trên đường đi học về bị điện giật gây tử vong ở Long An hay một bé gái đi dạo ở bến Ninh Kiều lúc triều cường, bị điện rò rỉ từ cột đèn giật nguy kịch tính mạng là những chuyện như thế.

Nguyên nhân có lẽ không phải là do các em xấu số, mà phải chăng đã quá lâu ngành điện chỉ lo bán điện mà quên mất việc bảo trì, an toàn lưới điện?

Từ lâu trách nhiệm xử lý hình sự những cơ quan liên đới dẫn đến việc chết người ít được coi trọng, thậm chí bỏ qua khi bên quản lý ngồi lại hòa giải với gia đình. Gia đình thương tiếc nhưng cũng coi việc đó không may, do số, nên nén đau thương mà cho qua.

Đến bù hay chia sẽ bằng tiền với các gia đình nạn nhân là thủ tục bấy lâu mà chúng ta thường làm. Để quy trách nhiệm, khởi tố vụ án đã có, nhưng chưa thực sự quyết liệt và còn nể nang.

Hiện tại, Các ngành chức năng tỉnh Long An vẫn đang làm rõ nguyên nhân vụ việc dây điện rơi trước cổng trường THCS An Lục Long (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) làm 2 học sinh tử vong, 4 em khác bị thương.

Theo thông tin từ Tổng công ty Điện lực miền Nam, khoảng thời gian 15h00 ngày 13/10/2018 trên địa bàn xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An xảy ra mưa, giông, kèm sấm sét, đã dẫn đến sự cố sét đánh vào lưới điện gây đứt đường dây 22kV tại khoảng trụ 177A - 178 thuộc tuyến 474 và 476 Tầm Vu, trước cổng Trường Trung học cơ sở An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Điều chúng ta đặt ra là ngành điện lực ở Long An đã thực sự có quán xuyến, quan tâm việc bảo trì thường xuyên như quy định của Luật điện lực và các nguyên tắc của ngành kinh doanh điện.

Ngành điện cũng không thể đổ lỗi lúc đó xảy ra mưa, giông, kèm sấm sét, đã dẫn đến sự cố sét đánh vào lưới điện gây đứt đường dây. Việc trang bị các hệ thống chống sét, nối đất của lưới điện truyền tải đều phải có và được kiểm tra nghiệm thu, kiểm tra định kỳ theo đúng quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện như Điều 55 của Luật Điện lực.

Nên chuyện sét đánh đứt dây là chuyện không thể chấp nhận được vì khi chạy đường dây truyền tải đó, nhưng tiêu chuẩn an toàn đã luôn được đặt ra hàng đầu. Việc sét đánh, đứt dây, phải chăng là đã quá lâu việc kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ bị xem nhẹ, coi thường?

Những đứa trẻ hồn nhiên đến trường phải được an toàn. Sự mất mát của chúng sẽ khiến gia đình họ sụp đổ và khó mà gượng lại vì cái chết đó nó quá ám ảnh.

Thông tin khi nghe tin cháu gái bị điện giật chết, ông ngoại của nữ sinh lớp 6 lên cơn đau tim qua đời, khiến cho câu chuyện bi kịch hơn. Sự xin lỗi hay đền bù thiệt hại của ngành điện lực là quá nhỏ bé.

Ngành điện lực nên có những quy định khắt khe, nghiêm túc hơn trong việc quy trách nhiệm cho cá nhân, cũng như tổ chức quản lý lưới điện nếu xảy ra sự cố, gây tai nạn chết người. Vì khi đã được đánh giá an toàn thì chuyện sét đánh đứt dây là khó xảy ra. 

Ngoài ra, việc lưới điện chạy qua trường học, bệnh viện, khu đông cư dân, cần có chế đó an toàn cao hơn như hạ ngầm để hạn chế những sự cố đáng tiếc.

Chúng ta có Luật rồi, nhưng tại nạn tang thương vẫn xảy ra và rồi “số trời” là cách người dân thiệt hại ngậm ngùi tự an ủi mình trong đau thương. Nếu không thực sự nghiêm túc cho sự an toàn trong kinh doanh thì cái vòng luẩn quẩn “điện giật, chất người do số trời” vẫn tiếp tục như vậy.

Điều 55. An toàn trong truyền tải điện, phân phối điện, Luật Điện lực

4.“Đơn vị quản lý vận hành lưới điện phải định kỳ tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật và đại tu lưới điện, bảo đảm cho hệ thống vận hành an toàn theo quy định; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về an toàn điện, bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và phối hợp thực hiện các giải pháp kỹ thuật, vận hành tối ưu để giảm tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải điện.

8. Các thiết bị và hệ thống chống sét, nối đất của lưới điện truyền tải và phân phối phải được lắp đặt đúng thiết kế và được kiểm tra nghiệm thu, kiểm tra định kỳ theo đúng quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện.