Án hành chính - Nhiều điểm nghẽn vì “quan” tắc trách

(PLO) - Án hành chính vẫn được gọi nôm na là loại án “dân kiện quan” bởi bản chất là giải quyết mối quan hệ giữa dân và chính quyền. 
Một phiên tòa xử vụ người dân khởi kiện QĐHC của chính quyền đã phải hoãn lại vì UBND và người đại diện không có mặt. (Ảnh minh họa)
Một phiên tòa xử vụ người dân khởi kiện QĐHC của chính quyền đã phải hoãn lại vì UBND và người đại diện không có mặt. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh sự bất bình đẳng có thể thấy rõ ở việc người dân gặp nhiều khó khăn trong quá trình thu thập tài liệu để chứng minh luận cứ của mình thì mới đây, Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) còn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế đáng chú ý trong loại án này, đặc biệt là tình trạng Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) hoặc người đại diện được ủy quyền không chịu đối thoại với dân, không chịu ra tòa; khi  bản án có hiệu lực lại tiếp tục chây ỳ… Tình trạng này kéo theo nhiều hệ lụy xấu và cần có biện pháp chấn chỉnh triệt để hơn.

Khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 quy định: Nếu người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Tuy nhiên, việc thực thi quy định này trên thực tế luôn có nghịch lý là năm sau vi phạm nhiều hơn năm trước. “Đây là một sự coi thường, bất chấp pháp luật, chứ không chỉ là vấn đề không nghiêm túc”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Sỹ Cương nhận xét.

Có luật, vi phạm lại càng tăng

Theo Ủy ban Tư pháp, trong 3 năm - từ năm 2015 đến năm 2017, trên cả nước có 11.180 quyết định hành chính (QĐHC) hành vi hành chính (HVHC) của Chủ tịch UBND và UBND bị khiếu kiện đến tòa án; chiếm khoảng gần 10% trên tổng số khiếu nại hành chính. Qua xét xử, tổng số QĐHC, HVHC bị tòa án tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần là 1.194 (chiếm 10,67% trên tổng số khiếu kiện thụ lý), ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính. Cá biệt, có những địa phương, số QĐHC, HVHC bị tòa án tuyên hủy chiếm khá cao trên tổng số vụ thụ lý, như An Giang là 81%, Quảng Nam 55,76%... 

Một vấn đề lớn khác được Đoàn giám sát chỉ ra là việc tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa của Chủ tịch UBND, UBND vốn được quy định rõ trong luật. Nhưng theo báo cáo của Chính phủ, trong 3 năm 2015, 2016 và 2017 đã có 2.471 trường hợp Chủ tịch UBND, người được Chủ tịch UBND ủy quyền không tham gia các phiên đối thoại, không tham gia phiên tòa trên tổng số 11.180 vụ việc khởi kiện tại Tòa án. Đặc biệt, tỉ lệ Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa có xu hướng ngày càng tăng qua các năm. Năm 2017, tỉ lệ không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa tăng gấp 3 lần so với trước khi thực hiện Luật TTHC (năm 2015 là 10,71%, trong khi năm 2017 là 31,69%). 

Ví dụ, tại TP Hà Nội, theo báo cáo, trong 3 năm, TAND TP Hà Nội xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch UBND và Phó Chủ tịch UBND thành phố tham gia tố tụng. Còn tại TP Hồ Chí Minh, theo Báo cáo của Đoàn giám sát tại TP Hồ Chí Minh, năm 2017 có 260/260 vụ không tổ chức đối thoại được do Chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt tại TAND TP Hồ Chí Minh. Ở một số địa phương, số lượng án rất ít nhưng Chủ tịch UBND và người đại diện vẫn thường xuyên xin vắng mặt, như TP Hải Phòng, tỉ lệ vắng là 17/17 vụ, tức chiếm 100%.

Một vấn đề được rất nhiều các đại biểu quan tâm cho ý kiến là sự tham gia của các Chủ tịch UBND, UBND tại các phiên đối thoại, phiên tòa. Theo Đoàn Giám sát của Ủy ban Tư pháp, thực tiễn cho thấy, việc Chủ tịch UBND hoặc người được đại diện theo ủy quyền là Phó Chủ tịch UBND tham gia đối thoại giải quyết án hành chính đã cho kết quả tích cực.

Nhiều trường hợp, qua đối thoại, Chủ tịch UBND đã kịp thời hủy bỏ hoặc sửa đổi các QĐHC, chấm dứt các HVHC không đúng pháp luật hoặc người khởi kiện rút đơn khởi kiện do yêu cầu khởi kiện không có căn cứ. 

Mất cơ hội nắm bắt thông tin

Đoàn giám sát cho rằng, tình trạng không tham gia tố tụng, không tham gia các cuộc đối thoại với công dân như nêu trên, ngoài việc không tuân thủ pháp luật, làm kéo dài quá trình tố tụng, gây bức xúc cho người dân, còn làm mất cơ hội để chính quyền địa phương trao đổi, nắm bắt thông tin, ghi nhận nguyện vọng của công dân, từ đó kiểm tra lại quá trình ban hành QĐHC cũng như việc thực hiện HVHC để có biện pháp giải quyết kịp thời và hiệu quả vụ việc.

Chính phủ cũng thừa nhận việc trong quá trình tham gia tố tụng, trong một số trường hợp, Chủ tịch UBND và người được Chủ tịch UBND ủy quyền đã không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa xét xử, kéo theo hệ lụy là chưa cung cấp đầy đủ, toàn diện các thông tin để tòa xét xử một cách khách quan và bảo đảm tính khả thi trên thực tế.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình cho biết, theo quy định của TTHC thì đối thoại là bắt buộc trước khi tòa nhận vụ việc nhưng nhiều nơi không làm bước này cho nên khi dân đưa đến tòa thì tòa không thể xử lý được. “Chính quyền không đối thoại thì tòa không có cơ sở để làm”- ông Bình nói thêm. 

Bên cạnh đó, sự không tham gia của Chủ tịch UBND tại các phiên tòa cũng là một phần nguyên nhân kéo theo hạn chế trong việc thi hành đối với án hành chính. “Cái chính dẫn đến khó thi hành ở đây là do trong quá trình tố tụng thì chính quyền không tham gia đối thoại, không ra tòa, toàn ủy quyền cho anh nọ, anh kia. Đến khi tòa tuyên, thường là chính quyền thua, thì chính quyền có ý kiến trở lại, yêu cầu kháng nghị… dẫn đến khó thi hành”- lời của ông Nguyễn Hòa Bình. 

Chia sẻ với báo cáo của Chính phủ, ông Nguyễn Hòa Bình giải thích rằng, thực tiễn ở một số địa phương có đến 1.000 vụ án hành chính mỗi năm bởi vậy nếu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND ra tòa liên tục thì không đủ người. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga không tán thành với nhận định như vậy.

Bà Nga dẫn chứng tình trạng ở một số địa phương, 3 năm có 260 vụ án nhưng Chủ tịch UBND và đại diện UBND không tham gia đối thoại bất cứ vụ nào, không tham gia phiên tòa. “Chẳng lẽ trong 3 năm ở một TP lớn không cử được một đồng chí nào tham gia? Chúng tôi xem trên tivi thấy các đồng chí đi khởi công, đi động thổ, đi dự hội nghị ngành nọ, ngành kia được.

Cứ cho là 260 vụ, sao không tham gia đối thoại được lấy 10 vụ đi cho gọi là có? Tại sao các hoạt động mang tính phong trào, khởi công động thổ… lại vẫn đi được? Nói 260 vụ nhưng chúng tôi không đủ cấp phó có được không? Như vậy chúng ta có tôn trọng luật của QH không?”, bà Nga nói.

“Là sự coi thường pháp luật”

Ông Hoàng Văn Hùng - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH cũng bày tỏ “rất lo ngại” khi càng ngày nhiều lãnh đạo chính quyền không đối thoại, không tham gia phiên tòa xét xử các vụ án hành chính ngày càng tăng.

“Có giấy triệu tập, các anh làm cái giấy vắng mặt là xong, giao cho một anh chuyên viên ngồi nghe xem xử như thế nào. Cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đều có tình trạng này. Đối thoại với dân và tham gia phiên tòa xử các vụ án hành chính như vậy là hỏng”, ông Hùng nhận định và cho rằng, nguyên nhân chính là do ý thức trách nhiệm với nhân dân của lãnh đạo chính quyền địa phương thấp chứ không phải không có đủ thời gian hay cấp phó, vì thực tế bên cạnh những địa phương không tốt thì có những địa phương làm rất tốt. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Sỹ Cương thậm chí cho rằng việc lãnh đạo chính quyền địa phương không tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, thậm chí không chấp hành các bản án đã có hiệu lực, bắt nguồn từ vấn đề nhận thức. “Đây là một sự coi thường, bất chấp pháp luật, chứ không chỉ là vấn đề không nghiêm túc”, ông Cương nói.

Theo ông Cương, nếu lãnh đạo chính quyền cử đại diện thì phải người đại diện có trách nhiệm, chứ không thể cử một ông chuyên viên đến để nghe cho vui, khi hỏi đến thì bảo “nghe để về báo cáo”. Giám sát mới thực hiện ở 10/63 tỉnh, thành trên cả nước, kết quả đã vậy rồi, nếu làm hết 63 tỉnh thì “tảng băng chìm” còn lớn hơn rất nhiều.

Đồng tình với quan điểm trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH Nguyễn Mai Bộ cũng bày tỏ lo lắng khi cho rằng hệ lụy của việc này là rất lớn, ảnh hưởng tới nguyên tắc xét xử của tòa án là “trực tiếp bằng lời và liên tục”. Do vậy, vị này đã đề nghị Ủy ban Tư pháp và Chính phủ phải có biện pháp chấn chỉnh ngay ý thức chấp hành pháp luật của các Chủ tịch UBND và UBND. 

Theo báo cáo của TANDTC, số phiên tòa bị hoãn do người bị kiện là Chủ tịch UBND, UBND hoặc người đại diện vắng mặt là 1.320 vụ. Số phiên tòa đã xét xử nhưng vắng mặt Chủ tịch UBND, UBND hoặc người đại diện là 1.842 vụ. Cũng theo TANDTC, việc UBND, Chủ tịch UBND thực hiện chưa đầy đủ nghĩa vụ giao nộp, cung cấp chứng cứ cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm hạn chế chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính.

“Có giấy triệu tập, các anh làm cái giấy vắng mặt là xong, giao cho một anh chuyên viên ngồi nghe xem xử như thế nào. Cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đều có tình trạng này. Đối thoại với dân và tham gia phiên tòa xử các vụ án hành chính như vậy là hỏng”. 

(Ông Hoàng Văn Hùng - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH)