An Lão (Hải Phòng): Mất đất vì biên bản xác định mốc giới

(PLO) - Bỏ bao công sức, mồ hôi để khai hoang, cải tạo đất và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đất đầy đủ 30 năm qua, gia đình ông Lương Đăng Vịnh (thôn Ly Câu, xã Tân Viên, huyện An Lão, TP Hải Phòng) đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2013. Thế nhưng mới đây gia đình ông đã bị TAND huyện An Lão ra “phán quyết” yêu cầu gia đình ông phải trả một phần diện tích đất đó cho anh ruột mình.
Bà Xen (vợ ông Vịnh) bên mảnh đất đã bỏ bao mồ hôi, công sức để cải tạo.
Bà Xen (vợ ông Vịnh) bên mảnh đất đã bỏ bao mồ hôi, công sức để cải tạo.
Mất đất vì tờ biên bản xác định mốc giới
Năm 1985 ông Vịnh được bố đẻ là cụ Lương Đăng Tranh và ông Lương Đăng Đua (anh trai ông Vịnh) nhượng cho một suất đất. Đến năm 1991 ông Vịnh đổi đất cho ông Lê Văn Tảo. Trong quá trình sử dụng sau đó, ông Vịnh đã chuyển nhượng hai lô đất cho vợ chồng ông Nguyễn Đăng Tèo. Phần đất còn lại có diện tích 615m2 gia đình ông tiếp tục sử dụng và được UBND huyện An Lão cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) năm 2013.
Tuy nhiên, gần đây vợ chồng ông Đua lại cho rằng mình có 168m2 đất nằm trong diện tích đất em trai được cấp GCNQSDĐ nên đã khởi kiện ra tòa để đòi lại.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 30/9/2015, ông Đua khẳng định năm 2007 vợ chồng ông Vịnh đã thống nhất “cắt” cho vợ chồng ông 168m2. Sau đó, vợ chồng ông đã làm đơn xin cấp GCNQSDĐ, có  xác nhận của UBND xã Tân Viên. Tháng 10/2007, UBND xã Tân Viên đã lập biên bản xác định ranh giới, mốc đất có chữ ký của ông Vịnh và các hộ liền kề.
Phản bác lại ý kiến của anh trai, ông Vịnh khẳng định, để có được mảnh đất đổi với ông Tảo, ông đã phải trả 5 tạ thóc kèm một khoản tiền cho ông Đua. Khi địa phương cấp GCNQSDĐ thửa đất 615m2 cho gia đình ông thì không có tranh chấp, khiếu kiện gì. Biên bản xác định mốc giới của anh trai, ông không hề ký vì thời điểm đó ông đang đi làm công nhân trong miền Nam, không có mặt tại địa phương.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử sơ thẩm vẫn buộc vợ chồng ông Vịnh phải trả vợ chồng ông Đua 168m2 cùng cây cối trên đất; GCNQSDĐ được UBND huyện An Lão cấp cho vợ chồng ông Vịnh bị tuyên hủy. 
Niêm yết có đúng thủ tục?
Trước phán quyết này, ông Vịnh khẳng định TAND huyện An Lão đã xét xử không khách quan, không minh bạch và thiếu công khai vì không có mặt bị đơn và người liên quan tại phiên tòa, không tiến hành trưng cầu giám định chữ ký của ông tại biên bản xác định mốc giới năm 2007. Tòa án căn cứ vào biên bản xác định mốc giới này là không đúng vì đây không phải là giấy tờ, hồ sơ địa chính. Biên bản này chỉ có giá trị khi nó phù hợp với bản đồ địa chính hoặc kèm theo các giấy tờ thể hiện việc ông Đua được nhận chuyển quyền sử dụng đất (như giấy tờ mua bán, cho tặng, đổi đất)…Tuy nhiên, bản đồ địa chính thì vẫn thể hiện 615m2 là do gia đình ông quản lý sử dụng. Còn ông Đua, tuy cho rằng đã được vợ chồng em trai “cắt đất” nhưng không có chứng cứ chứng minh nội dung này.
Đáng nói hơn, gia đình ông Vịnh đã không có mặt tại phiên tòa sơ thẩm ngày 30/9/2015 để bảo vệ quyền lợi cho mình vì không nhận được giấy triệu tập, cũng không được biết việc có giấy thông báo mở phiên tòa niêm yết ở trụ sở UBND xã…
Đến ngày 29/10/2015, gia đình ông Vịnh mới biết có Bản án ngày 30/9/2015 của TAND huyện An Lão niêm yết tại trụ sở UBND xã. Nhận thấy quyền lợi chính đáng của mình không được bảo vệ, ông Vịnh đã làm đơn kháng cáo gửi tới TAND TP.Hải Phòng đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét giá trị pháp lý của biên bản xác định mốc giới năm 2007. Tuy nhiên, TAND TP Hải Phòng đã không chấp nhận việc kháng cáo này vì cho rằng đã quá thời hạn kháng cáo theo quy định.
Trước diễn biến trên, một số luật sư cho rằng, việc không thể có mặt tại phiên tòa cũng như không biết được việc có bản án để kháng cáo kịp thời đã ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của bị đơn trong vụ án này. Theo Điều 154 BLTTDS thì việc niêm yết công khai văn bản tố tụng chỉ được thực hiện khi không rõ tung tích của người được cấp, tống đạt, thông báo hoặc không thể thực hiện được việc cấp, tống đạt trực tiếp. Hơn nữa, ngoài việc niêm yết bản chính tại trụ sở Toà án, UBND xã thì Tòa hoặc UBND xã còn phải tiến hành niêm yết bản sao tại nơi cư trú của người được cấp, tống đạt.
Tuy nhiên, trong trường hợp này thì vợ chồng ông Vịnh có nơi cư trú ổn định, rõ ràng chứ không có việc “không rõ tung tích”, tại sao Tòa án phải thực hiện việc niêm yết, cũng không thấy có bản sao được niêm yết ở nơi cư trú? Ngoài ra, trước khi niêm yết thì tòa phải thực hiện thủ tục cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp theo quy định tại Điều 152 BLTTDS như: Giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc chuyển giao văn bản cho trưởng thôn, UBND, công an xã và yêu cầu những người này cam kết giao lại tận tay ngay cho đương sự…
Với các quy định trên, TAND TP Hải Phòng cần kiểm tra lại thủ tục niêm yết các văn bản tố tụng và bản án sơ thẩm của TAND huyện An Lão để xem xét kháng cáo quá hạn của vợ chồng ông Vịnh, đảm bảo quyền lợi của đương sự đúng theo quy định của pháp luật.