Bách Đạt lên tiếng sau phán quyết của các cấp tòa liên quan tranh chấp với đối tác làm ăn

(PLO) - Trong quá trình hợp tác làm ăn chung giữa Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Bách Đạt (Công ty Bách Đạt) và Công ty cổ phần Gia Trần (Công ty Gia Trần, đều có trụ sở tại Đà Nẵng) xảy ra tranh chấp trong góp vốn làm ăn. Vụ việc chưa dừng lại, khi Công ty Bách Đạt cho rằng, Công ty Gia Trần tố cáo sai sự thật và khởi kiện ra tòa…
Khu đô thị mới Điện Nam Điện Ngọc được Công ty Bách Đạt đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
Khu đô thị mới Điện Nam Điện Ngọc được Công ty Bách Đạt đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

Theo Quyết định số 543/QĐ-UBND ngày 18/02/2008 và Quyết định số 1288/QĐ-UBND ngày 26/4/2011, Công ty Bách Đạt được UBND tỉnh Quảng Nam tin tưởng chuyển giao nhiệm vụ chủ đầu tư, sử dụng quỹ đất để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị số 7B thuộc Đô thị mới Điện Nam- Điện Ngọc (Quảng Nam) có diện tích 25 ha.

Nhằm đảm bảo tiến độ của dự án, Công ty Bách Đạt đã ký Hợp đồng thỏa thuận hợp tác đầu tư số 01/2011/HĐTTHTĐT-KĐT7B với Công ty Gia Trần do bà Trần Thị Ngọc Lan làm giám đốc cũng là đại diện theo pháp luật. 

Trong quá trình hơp tác, 2 bên nảy sinh mâu thuẫn trong góp vốn, đóng tiền thi công cơ sở hạ tầng, đặc biệt, phía Công ty Gia Trần đòi chấm dứt Hợp đồng thỏa thuận trước thời hạn vào năm 2014. Ngoài ra, phía Gia Trần còn gửi đơn lên các CQĐT khiếu nại, tố cáo nhiều nội dung được Công ty Bách Đạt cho rằng vô lý, vu khống. 

Những nội dung tố cáo này sau đó đã được Công an TP. Đà Nẵng, Công an Quảng Nam và Bộ công an xác minh làm rõ, trả lời “không có căn cứ đối với những điều mà công ty Gia Trần đã tố cáo”, thể hiện qua các thông báo số 223/CSĐT-Vp ngày 27/07/2018 của Cơ quan CSĐT Công An TP. Đà Nẵng, Thông báo số 349-CSĐT ngày 7/7/2015 của Công an tỉnh Quảng Nam và Thông báo số 08/C44-p5 của Bộ công An ngày  9/01/2017

Dù vậy, mâu thuẫn vẫn chưa dừng lại, buộc Công ty Bát Đạt phải khởi kiện lên các cấp tòa, đòi bồi thường thiệt hại và yêu cầu chấm dứt hợp đồng, nhằm giải quyết dứt điểm ký Hợp đồng thỏa thuận hợp tác đầu tư số 01/2011/HĐTTHTĐT-KĐT7B, thực chất chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa giữa Công ty Bách Đạt với Công ty Gia Trần, theo đúng quy định tại khoản 2 điều 422 Bộ luật Dân sự

Gần 6 tháng sau kể từ ngày thụ lý vụ án, tại bản án số 03/2017/KDTM-ST ngày 14/3/2017 TAND quận Thanh Khê có nội chung “tuyên chấm dứt hợp đồng nhằm giải quyết dứt điểm ký Hợp đồng thỏa thuận hợp tác đầu tư số 01/2011/HĐTTHTĐT-KĐT7B giữa Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Bách Đạt và Công ty cổ phần Gia Trần.

Công ty Gia Trần kháng cáo, nhưng sau đó, cấp phúc thẩm tại Bản án số 17/KDTM-PT ngày 19/6/2017 TAND TP. Đà Nẵng đã tuyên xử không chấp nhận kháng cáo.

Đơn kiến nghị của Công ty Bách Đạt sau khi có quyết định kháng nghị của Tòa cấp cao tại Đà Nẵng
Đơn kiến nghị của Công ty Bách Đạt sau khi có quyết định kháng nghị của Tòa cấp cao tại Đà Nẵng

Thế nhưng, theo đại diện Công ty Bách Đạt, các bản án nói trên đã và đang trong quá trình thi hành, bất ngờ đơn vị nhận được Quyết định kháng nghị số 02/2017/KN-DS ngày 6/10/2017 của Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng và sau đó ra Quyết định giám đốc thẩm số 01/2017/KN-DS ngày 14/12/2017 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng với nội dung hủy các bản án nói trên, đồng thời Tạm đinh chỉ việc thi hành án.

Vì cho rằng, quyết định kháng nghị của Tòa tối cao không thuyết phục, bất bình thường về thời hạn giải quyết xem xét kháng nghị và giám đốc thẩm, Công ty Bách Đạt gửi đơn khiếu nại lên Chánh Án TAND Tối cao. 

Nội dung kiến nghị nêu, hợp đồng hợp tác đầu tư đã được thực hiện cho đến ngày Công ty Gia Trần ngừng góp vốn (tháng 8/2014). Công Ty Gia Trần góp vốn cũng như nhận lại tiền thoái vốn do chuyên nhượng đất, đều thực hiện căn cứ tiến độ công việc, cũng như tiến độ chuyển nhượng, có đầy đủ biên lai chứng từ kế toán theo đúng luật. Trong quá trình góp vốn, cũng như thoái vốn, Công ty Gia Trân hoàn toàn không có ý kiến gì về việc mở tài khoản hay thế chấp, như nhận định của Tòa án cấp cao. 

Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng còn cho rằng, Tòa sơ và phúc thẩm không căn cứ vào số liệu tại Email Biên bản đối chiếu công nợ, Bản đối chiếu tiền góp vốn mà Công ty Gia Trần chuyển cho Công ty Bách Đạt để xem xét xác định phần góp vốn tính đến ngày 30/7/2014, với tổng số tiền 14.932.407.713 theo khai nại của Công ty Gia Trần là không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án. Thế nhưng, điều này lại trái với nguyên tắc tài chính kế toán, không hội đủ điều kiện để được công nhận là Chứng cứ theo quy định tại điều 93 điều 94, điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Nội dung kiến nghị cũng phân tích, hợp đồng hợp tác đầu tư giữa hai công ty đã chấm dứt trong thực tế, các bên không ai có nhu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng. Như vậy, vấn đề còn lại giải quyết việc thoái vốn phụ thuộc vào nghĩa vụ chứng minh của các đương sự. Công ty Gia Trần cho rằng có 10 tỷ góp cho Công ty Bách Đạt, thì phải có nghĩa vụ chứng minh góp thời điểm nào, trực tiếp giao tiền mặt hay chuyển khoản, được thể hiện bằng các chứng cứ như phiếu thu tiền góp, phiếu chuyến tiền.

“Trước đây, đối tác vẫn muốn đẩy Công ty Bách Đạt sang cho công an giải quyết bằng thủ tục tố tụng hình sự. Cụ thể ngày 4/10/2016 và ngày 30/11/2017 Công ty cổ phần Gia Trần đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an giải quyết hình sự cho đến khi Bộ công an có văn bản trả lời không có căn cứ chấp nhận đơn tố cáo của Công ty cổ phần Gia Trần. Khi việc vu khống, tố cáo không thành, nhằm giải quyết dứt điểm hợp đồng chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa pháp lý, Công ty Bách Đạt khởi kiện; Tòa án các cấp đã kiên trì tổ chức các phiên hòa giải, thế nhưng, Công ty cố phần Gia Trần thiếu thiện chí, có thái độ coi thường pháp luật không chấp hành thông báo hòa giải, giấy triệu tập của tòa án. 

Cho đến bây giờ, Công ty Gia trần vẫn không từ bỏ ý định kéo dài vụ án, muốn hình hóa quan hệ kinh doanh thương mại nhằm cản trở hoạt động kinh doanh của công ty Bách Đạt”, nội dung kiến nghị nhấn mạnh và mong cấp Tòa xem xét trên các chứng cứ theo đúng quy định pháp luật.