'Bài toán' của Bình Thuận

(PLVN) - Chia sẻ với báo chí về chiến lược phát triển đưa Bình Thuận lên vị thế mới giai đoạn 2020-2025, tân Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho biết công nghiệp năng lượng sẽ là một trong những trụ cột chính.
Công nghiệp năng lượng sẽ là một trong những trụ cột chính của Bình Thuận.
Công nghiệp năng lượng sẽ là một trong những trụ cột chính của Bình Thuận.

Bình Thuận là địa phương giữ nhiều kỷ lục về phát triển công nghiệp năng lượng, có 37 nhà máy điện tổng công suất 6.117 MW, sản lượng điện theo thiết kế khoảng 31,7 tỷ kWh/năm. Phải thừa nhận lĩnh vực này đã có vai trò rất quan trọng đóng góp GDP địa phương cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chỉ riêng năm 2019, tổng sản lượng điện sản xuất đạt gần 27 tỷ kWh, đem về giá trị sản xuất trên 33 ngàn tỷ.

Tỉnh này có đầy đủ các loại hình thủy điện, nhiệt điện than, điện mặt trời và điện gió, trong tương lai sẽ có điện khí hóa lỏng (LNG); có tổ hợp nhiệt điện than lớn nhất Việt Nam, đang nghiên cứu khảo sát một dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà với vốn đầu tư khoảng 11,9 tỷ USD.

Thế nhưng thực tế cũng cho thấy phát triển ồ ạt tất cả các loại hình công nghiệp năng lượng, cũng là nhược điểm của Bình Thuận, khiến địa phương này hiện phải đối mặt với hai bài toán nan giải.

Bài toán thứ nhất, là đã để mọc lên dự án năng lượng tiêu tốn nhiên liệu và bị đánh giá nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, tổ hợp nhiệt điện than lớn nhất Việt Nam hiện nay, được địa phương này “đặc biệt quan tâm”, với các vấn đề đáng lo ngại khí thải, tro, xỉ than (thải) và nước làm mát. Thực tế “đau đầu” từ dự án này đã khiến lãnh đạo tỉnh khẳng định “Bình Thuận thực hiện chủ trương không chấp thuận thêm bất kỳ nhà máy nhiệt điện than nào nữa để đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững”.  

Với câu chuyện “sự đã rồi” này, địa phương cho hay chỉ còn cách giám sát chặt chẽ quá trình vận hành và kiên trì kiến nghị các bộ, ngành bổ sung tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sử dụng tro, xỉ để kỳ vọng những chất thải này “sẽ trở thành nguồn tài nguyên mới, phục vụ cho nền kinh tế tuần hoàn, vừa hiệu quả trong kinh tế vừa đảm bảo môi trường”.

Bài toán thứ hai, Bình Thuận cũng không thể tự “hóa giải”. Đó là hạ tầng truyền tải điện chưa phù hợp với quy hoạch. Tổng công suất phát điện đang rất lớn nhưng hạ tầng lưới điện truyền tải đang chỉ ở mức độ trung bình. Một số nhà máy điện mặt trời đang phải giảm công suất phát, gây lãng phí và khó khăn cho nhà đầu tư. Có dự án “đắp chiếu”, chỉ vì nguyên nhân chưa thể đấu nối lên hạ tầng lưới điện. Để tháo gỡ vấn đề này, chỉ có thể bằng cách cải tạo nâng cấp, đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải.

Nắng và gió của Bình Thuận là tiềm năng, tài nguyên để mời gọi; nhưng để có thể “giữ chân” nhà đầu tư năng lượng tái tạo, thì vấn đề có thể ngoài khả năng, tầm với của Bình Thuận như hai bài toán nêu trên, cần sự giúp đỡ chung tay của Trung ương và các bộ, ngành.