Bản di chúc nhập nhèm, mẹ kiện con đòi đất

(PLO) - Gần chục năm trước, khi tình cảm mẹ con còn thắm thiết, mẹ già đã tự nguyện chia đất cho con gái bằng việc viết “Đơn di chúc để lại cho con”, có chứng thực đàng hoàng. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy vậy, bà chỉ đồng ý cho con xây nhà mà không cho sang tên chuyển quyền sở hữu vì lý do sợ con gái đứng tên sẽ bán đất ấy đi, mẹ giữ “sổ đỏ” ấy chẳng qua cũng là giữ cho con, vì trước sau gì gia sản này cũng là của con. Ai ngờ, một ngày tình cảm mẹ con sứt mẻ, mẹ già hủy bỏ di chúc và kiện con ra tòa… 

Cho đất, nhưng không được bán

Bà Phạm Thị Sinh ngụ tại một xã miền núi của huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang chồng đã mất. Bà có người con gái là chị Đỗ Thị Hân và con rể Phạm Văn Cảnh (chồng chị Hân). Đầu năm 2003, người mẹ có vay của con gái số tiền 1,5 triệu đồng để trang trải cuộc sống nhưng không có khả năng thanh toán.

Ngày 18/4/2003, bà viết giấy với tiêu đề “Đơn di chúc để lại cho con” với nội dung: “Hiện nay tôi nợ con gái là Đỗ Thị Hân 1,5 triệu đồng, không có tiền trả nên cho con gái 5m đất từ sau bếp ra, chạy sâu hết đất, nhưng khi tôi còn sống thì tôi hưởng số cây lâm lộc, khi nào tôi chết thì cho Hân hưởng và không được bán đất”.

Ngoài đơn trên, người mẹ còn hứa sau này sẽ cho chị Hân toàn bộ thửa đất đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà với điều kiện vợ chồng con gái phải chăm sóc, phụng dưỡng bà đến hết đời. Để khẳng định thiện chí, bà mang “lá đơn di chúc” trên ra UBND xã Tam Tiến chứng thực vào ngày 31/7/2003.

Tuy vậy, bà vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không đồng ý để con gái tách thửa, sang tên. Bà bảo trước sau đất đai tài sản cũng là của chị Hân, bà giữ cũng là giữ cho con mà thôi. Bà sợ sang tên cho rồi chị Hân bán đi lấy tiền tiêu, không ở cùng bà, không chăm sóc phụng dưỡng bà như đã cam kết. 

Chính vì vậy, mang tiếng là được mẹ chia cho đất nhưng thực chất vợ chồng chị Hân vẫn phải phụ thuộc vào mẹ. Đến tháng 6/2006, bà Sinh đồng ý cho vợ chồng chị Hân làm nhà trên phần diện tích đất đã được cho, tại vị trí mô tả trong đơn “Di chúc để lại cho con”. Phần diện tích đất mà bà hứa cho con gái có diện tích thực tế là 201m2, mặt tiền 5m, chạy dài 40m, trong đó có 50m2 bị “dính” quy hoạch đất hành lang giao thông. Bà đồng ý để vợ chồng con gái xây dựng nhà cửa và xây dựng công trình trên đất trị giá 109.168.000 đồng. 

Mặc dù mẹ chỉ cho phép xây nhà nhưng vợ chồng chị Hân còn xây thêm nhiều công trình khác như bếp, sân, giếng nước, chuồng lợn, nhà vệ sinh, những khu phụ còn to đẹp hơn ngôi nhà bà đang ở, có lẽ vì điều này nên bà Sinh rất tức tối. Khi vợ chồng con gái xây dựng xong ngôi nhà ở phần đất được mẹ già tặng cho, cũng là lúc tình cảm mẹ con họ bắt đầu rạn nứt. 

Theo bà Sinh trình bày, nguyên nhân là do vợ chồng con gái đối xử tệ bạc với bà, vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng mẹ già như đã cam kết. Còn theo chị Hân, chẳng qua là mẹ chị có tí tuổi nên khó tính, lẩm cẩm chứ thực tế vợ chồng chị vẫn đối xử chu đáo, hiếu nghĩa với mẹ già như trước. Mâu thuẫn mẹ con thêm trầm trọng, họ hàng và chính quyền thôn đã hòa giải nhưng không thành. Kết cục là bà mẹ kiện ra tòa đòi lại phần đất đã tự nguyện viết di chúc cho con gái mà trước đây chính bà đã lập thành văn bản rồi đưa ra xã chứng thực.

Chưa chuyển quyền sở hữu, vẫn được đòi lại

Vụ án được TAND huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) thụ lý. Nguyên đơn là bà Sinh trình bày nguyện vọng đòi lại diện tích đất nêu trên và đồng ý “đền bù” giá trị  căn nhà cấp 4 mà vợ chồng con gái đã xây dựng trên đất vào năm 2006. Số tài sản còn lại, bà yêu cầu vợ chồng con gái phải tháo dỡ vì khi xây dựng đã không được sự đồng ý của bà.

Về số nợ 1,5 triệu đồng mà bà nợ trước đây, bà đồng ý trả vợ chồng con gái bằng trị giá quy đổi ra diện tích đất năm 2003 là 17.79m2. Theo biên bản định giá ngày 6/3/2012 của TAND huyện Yên Thế, trị giá 17,79m2 đất trên quy đổi ra tiền bằng 38.782.000 đồng.

Tại phiên tòa dân sự sơ thẩm vào tháng 7/2012, TAND huyện Yên Thế nhận định: đơn để lại di chúc của nguyên đơn không phải là hợp đồng chuyển nhượng, không phải là hợp đồng tặng cho vì chưa thực hiện các thủ tục theo pháp luật quy định về tặng cho và chuyển nhượng, cũng không phải là việc để lại thừa kế vì bà Sinh chưa chết. 

Từ các lẽ trên, TAND huyện Yên Thế xác định mối quan hệ pháp luật ở đây là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tuyên bố giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai mẹ con vô hiệu do chưa thực hiện các thủ tục pháp luật quy định về tặng cho, chuyển nhượng tài sản. Án sơ thẩm tuyên buộc vợ chồng chị Hân phải trả lại cho mẹ 151m2 đất vườn và 50m2 đất hành lang giao thông trị giá 151.000.000 đồng. Bà Sinh được sở hữu toàn bộ công trình xây dựng trên đất và có nghĩa vụ thanh toán cho vợ chồng con gái trị giá công trình đã xây dựng trên đất.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, vợ chồng chị Hân kháng cáo.

Ngày 29/3/2013, TAND tỉnh Bắc Giang đã xét xử phúc thẩm vụ án này, sau khi xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm về việc xác định mối quan hệ pháp luật tranh chấp và áp dụng các quy định của pháp luật về kiện đòi tài sản để buộc vợ chồng chị Hân phải trả lại diện tích đất nêu trên cho mẹ.

Như vậy, tòa phúc thẩm chỉ xác định lại quan hệ pháp luật cho “chuẩn” nhưng không làm thay đổi kết quả vụ kiện về việc bà Sinh đòi lại được diện tích đất đã cho con gái. 

Vụ án trên được dư luận địa phương quan tâm bởi tính chất hy hữu của nó. Nhiều ông bố bà mẹ lấy đó là bài học để răn dạy con em mình: nếu không đối xử tốt, hiếu lễ với cha mẹ thì kể cả đất đai ông/bà đã chia cho con cũng vẫn có quyền đòi lại. Người thì cho rằng đây là bài học pháp lý sơ đẳng nhất về việc đã cho nhận bất động sản là phải sang tên, chuyển quyền sở hữu, mất lòng trước, được lòng sau, cứ phải “cưa đứt đục suốt”  để tránh lật kèo. Nhưng cái khó là ở chỗ, mẹ già cầm sổ đỏ, “nắm đằng chuôi” nên chị Hân mới không thể tách thửa, chuyển quyền sở hữu được nay đành phải chịu thiệt thòi trong quan hệ tranh chấp. 

Mỗi người mỗi ý, nhưng dư âm buồn của vụ kiện vẫn cứ dai dẳng mãi khi mẹ đẻ con gái bỗng thành người của hai bờ “chiến tuyến”, nhìn nhau chẳng khác người dưng. Dù vụ kiện có kẻ được người thua nhưng rốt cục không có ai là người thắng cuộc.

(Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Có quyền hủy bỏ nội dung di chúc và đòi lại quyền sử dụng đất 

Điều 662 Bộ luật Dân sự 2005 quy định người lập di chúc có thể sửa đổi,  bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc bất cứ lúc nào nên dù trước đó bà Sinh từng viết di chúc tặng cho phần diện tích đất đó cho con gái nhưng sau đó bà lại hủy bỏ di chúc, kiện đòi tài sản là không trái pháp luật.

Căn cứ vào tính chất của giao dịch dân sự giữa bà Phạm Thị Sinh và chị Đỗ Thị Hân thì thấy: tại thời điểm tranh chấp quyền sử dụng đất, bà Sinh chưa cho, chưa chuyển nhượng, chưa để lại thừa kế cho chị Hân do bà Sinh vẫn đang sống. Do vậy, cần phải xác định mối quan hệ pháp luật tranh chấp của vụ kiện này là đòi lại quyền sử dụng đất mới đúng tính chất, đặc điểm, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và mới có cơ sở để áp dụng đúng các quy định của pháp luật về nội dung để giải quyết vụ án có căn cứ, đúng pháp luật”.

(Trích bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang)