Bệnh ngọt ngào không ai muốn trị của không ít cán bộ

(PLO) -Một Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định được ngân sách chi 386 triệu đồng để lấy bằng “dỏm” do trường Đại học Đại Nam liên kết với một trường ở Philippines, là chuyện hoàn toàn không mới. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Trước ông, không ít cán bộ lãnh đạo từng bị lộ như vậy. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Đó cũng chỉ là cách mua lộ liễu, dại dột nhất trong nhiều dạng của học vị “dỏm”. Cách khéo hơn là “bằng thật, học giả” do chính những “lò ấp” nội địa cung cấp. Có vụ công an phát hiện chỉ riêng một lò đã “đẻ” ra 1,5 tấm bằng mỗi ngày. 

Vấn đề ở đây là xu thế, trào lưu chạy theo văn bằng vẫn đang được tiếp tục kích hoạt bằng cơ chế tiêu chuẩn hóa cán bộ một cách hình thức, thậm chí có nơi như Hà Nội đã đặt ra chỉ tiêu tỉ lệ Tiến sĩ, Thạc sĩ cho guồng máy công chức.

Ngân sách thất thoát vì các khoản chi mua bằng đã là mất mát đáng tiếc, nhưng điều đáng tiếc hơn là căn bệnh chạy theo bằng này còn kích hoạt sự giả dối, khoe khoang và lòng tự trọng, đức tính trung thực trong cán bộ công chức ngày càng giảm thấp như một thứ hàng xa xỉ không ai cần đến. Dùng tiền ngân sách mua bằng giả để thăng tiến là căn bệnh ngọt ngào mà không ai muốn trị.

Truyền thống hiếu học của đất nước ta đang biến tướng trong thời kỳ mới và trái ngược với thông lệ chung của thế giới. Theo đạo tu, tề, trị, bình của Nho giáo; hay theo khuynh hướng chung của thế giới hiện đại; người ta nỗ lực học ngay thời trẻ, khi đủ kiến thức, kỹ năng sẽ vào đời để phục vụ cống hiến, hay để mưu sinh, thể hiện bản thân. Nói theo văn vẻ của truyện kiếm hiệp là “phải luyện võ công đến mức hỏa hầu rồi mới xuất sơn hành hiệp giang hồ”. 

Việc tiếp tục học sau khi đi làm là cần, nhưng chỉ là bổ sung, cập nhật, hoàn thiện những kỹ năng. Nói một cách công bằng, tuyển dụng công chức là chọn người giỏi để đi làm phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân; chứ tuyển người học hành làng nhàng rồi tốn tiền đào tạo thì là chuyện ngược đời.

Còn theo võ hiệp, “võ công chưa tới nơi tới chốn mà lại hành tẩu giang hồ thì đương nhiên là tự sát”. Theo Nho học, “tu thân chưa xong, tề gia chưa ổn”, mà tính chuyện “bình thiên hạ” thì trái đạo làm người.

Có bằng nhưng… không biết có được công nhận 

Nhưng ở ta thì ngược lại, lắm cán bộ thời trẻ chỉ học làng nhàng và khi đã có địa vị, có chỗ đứng, lại bắt đầu lấy ngân sách nhà nước đề “đi học” từ A tới Z một hệ thống học vị từ cử nhân tới tiến sĩ. Việc học này có phần đáng kể mang tính đối phó, mua bằng dỏm hoặc bằng thật nhưng học giả; nhiều trường hợp vỡ lở, tréo ngoe đã gây nhiều dư luận.  

Mới đây, chuyện ông Lê Kim Toàn, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định, đã làm nghiên cứu sinh lấy bằng tiến sĩ quản lý giáo dục do Trường ĐH Đại Nam (Hà Nội) và Trường ĐH Bulacan State (Philippines) tổ chức bằng tiền ngân sách nhà nước đang tạo dư luận đình đám. Một số cán bộ hưu trí đã gửi đơn kiến nghị lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng để yêu cầu xác minh, kiểm tra trình độ học vấn của ông Toàn. 

Theo đơn phản ánh, giai đoạn 2011-2013, khi còn làm Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định, ông Toàn được Tỉnh ủy cho phép đi học tiến sĩ quản lý giáo dục tại Trường đại học Bulacan theo hình thức du học ngắn ngày. Sau đó, ông Toàn khai trong lý lịch Đảng viên bổ sung là có bằng tiến sĩ. 

Đến tháng 5/2015, trong danh sách ứng viên mà Tỉnh ủy Bình Định công bố, ông Toàn có trình độ chuyên môn là "tiến sĩ quản lý giáo dục, đại học luật". Tuy nhiên đến tháng 5/2016, trong bản trích ngang danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định của ông Toàn lại ghi là "thạc sĩ quản lý giáo dục". 

Giải thích về sự thiếu nhất quán này, ông Trần Kim Hùng (Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Bình Định) cho biết, quá trình làm hồ sơ nhân sự, lãnh đạo Vụ 2 Ban Tổ chức trung ương có đề nghị ông Toàn làm văn bản gửi Bộ GD-ĐT xác nhận xem bằng tiến sĩ theo hình thức của anh có được công nhận hay không.

Tuy nhiên, gần đây khi hỏi lại thì ông Toàn nói chưa gửi văn bản cho Bộ GD-ĐT. “Có lẽ ông Toàn thấy Bộ GD-ĐT chưa công nhận loại văn bằng tiến sĩ của ảnh nên không khai nữa”, ông Hùng nhận định.

Chữ “chưa công nhận” của ông Hùng trong trường hợp này có phần nương nhẹ và không chính xác. Chữ “chưa” tạo ra cảm giác là có thể “sẽ công nhận” trong tương lai. 

Một tờ báo đã đăng ý kiến của Bộ GD-DT, đánh giá trường hợp này rất rõ ràng, là “không công nhận”. Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, trong những năm qua có một số trường ĐH tại Việt Nam tổ chức các chương trình học thạc sĩ, tiến sĩ của ĐH Bulacan. Toàn bộ chương trình đào tạo, phần lớn do học viên tự học tại Việt Nam. Trong khóa học có vài đợt học tại Hong Kong (cơ sở của ĐH Bulacan tại đây).

Thực chất đây là những chuyến du học ngắn ngày, thời gian học thực tế của mỗi đợt thường kéo dài từ 2 – 3 ngày. Trong quá trình học có phiên dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Ông Trần Văn Nghĩa (Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục), cho biết, với hình thức du học ngắn ngày, học từ xa như vậy, Bộ không công nhận văn bằng.

Ý kiến này là xác đáng vì Tiến sĩ là bằng cấp học thuật cao nhất, thể hiện đòi hỏi người nghiên cứu phải có kiến thức, phương pháp nghiên cứu khoa học để phân tích khám phá ra những đề tài khoa học và thể hiện bằng những sản phẩm khoa học cụ thể, có giá trị. Đó là luận văn, là những bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế. 

Trình độ tiếng Anh hay ngoại ngữ khác của một Tiến sĩ không phải là thứ trang sức cho văn bằng, mà là công cụ tối cần thiết để tham khảo các tài liệu khoa học thế giới và công bố, giao tiếp với các tổ chức và các nhà khoa học quốc tế. 

Với chương trình du học ngắn ngày, học từ xa, học qua phiên dịch đơn giản hơn cả chương trình học bổ túc văn hóa cấp III, nếu được công nhận Tiến sĩ thì quả là sự sỉ nhục cho văn bằng này. Nếu vì nhu cầu học thuật thật sự, người ta nhất định không tham gia chương trình học sơ sài đơn giản như vậy mà lại tốn kém đến 386 triệu đồng.

Nên thu hồi tiền, xử lý trách nhiệm

Ông Tô Tử Thanh (nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định) đặt vấn đề rất nghiêm túc là việc ông Toàn sử dụng tiền ngân sách để đi học tiến sĩ nhưng lại “mua trúng hàng dỏm”, không được Bộ Giáo dục công nhận, Nhà nước cần phải thu hồi số tiền đã chi, đồng thời xử lý trách nhiệm cá nhân ông Toàn.

Trong khi đó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định chỉ giải đáp được một vế là tiền, và không nhắc gì đến việc xử lý: “Nếu Bộ không công nhận văn bằng tiến sĩ thì đương nhiên phải xem xét về kinh phí đào tạo; cá nhân phải chịu chi phí chứ ngân sách không trả được”.

Số tiền 386 triệu không phải nhỏ, nếu đầu tư cho một chương trình học nghiêm túc, để có thêm kiến thức, kỹ năng phục vụ đất nước thì vẫn có thể xem là sự đầu tư đúng đắn. Không thể nói ông Toàn lầm lẫn khi chọn chương trình dởm.

Có chức vụ, nếu ông Toàn không có kiến thức để chọn chương trình học cho mình thì quả là năng lực của ông có vấn đề, không tương xứng với chức vụ. Nếu biết mà vẫn cố ý chọn một chương trình dỏm để lấy bằng cấp thì cần phải xem xét lại phẩm chất, sự trung thực của một cán bộ khi ném tiền ngân sách để mua lấy văn bằng phù phiếm trang trí cho lý lịch của mình.

Cũng khó có thể nói không biết việc những trường dỏm bán bằng cấp qua các hình thức đào tạo online biến tướng hoặc các liên kết ma quỷ. Nhiều năm qua, báo chí, dư luận đã nhiều lần lên tiếng về các trường hợp tương tự.

Ví dụ trường hợp giám đốc một Sở tại tỉnh Phú Thọ đã có học vị tiến sĩ với đề tài “vấn đề di sản văn hóa với việc phát triển kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ” tại trường đại học Nam Thái Bình Dương của Hoa Kỳ với giá 17 ngàn USD, tương đương với 386 triệu của ông Toàn.

Qua trường hợp hợp này, báo chí cũng phát hiện ra một vị nguyên là Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cũng lấy bằng Tiến sĩ ĐH Nam Thái Bình Dương chỉ trong 6 tháng với 17 ngàn USD. Còn có 10 vị Tiến sĩ khác ở Hà Nội, Vĩnh Phú cũng được trường này cấp “bằng”.

Hệ quả của những người dùng bằng giả "thăng quan tiến chức", có thể thấy rõ nhất là là “Tiến sĩ kinh tế” Dương Chí Dũng. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Dương Chí Dũng đi xuất khẩu lao động ở Cộng hòa dân chủ Đức.

Đầu năm 1994, ông Dũng về Việt Nam và làm cán bộ Liên hiệp Các xí nghiệp nạo vét, sau đó làm Phó Giám đốc cho Công ty nạo vét sông 1. Trong thời gian này, Dũng đã lấy bằng Đại học Hàng hải, bằng thạc sĩ, rồi “tiến sĩ kinh doanh thương mại”.

Đến tháng 9/2003, ông Dũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng cty Xây dựng đường thủy (Vinawaco)... Hậu quả mà ông Dũng để lại cho các đơn vị ông ta từng công tác, đến nay ai cũng rõ. 

Kiếm một chỗ đứng, lấy tiền ngân sách mua bằng để thăng tiến, từ vị trí mới tiếp tục trục lợi tiêu phá ngân sách, phải chăng là căn bệnh ngọt ngào không ai muốn trị. Nguyên nhân cốt lõi của căn bệnh này là cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ còn có khi dựa trên quan hệ thân quen, tiền quyền; những yếu tố văn bằng chỉ là hình thức.

Tiêu chuẩn phẩm chất, năng lực thật sự thì không có thước đo. Điều đáng ngại là khi sự thật được phát lộ, việc xử lý có lúc có nơi vẫn ỡm ờ nương nhẹ, hành vi dối trá vẫn được xuê xoa lấp liếm. Còn tình trạng như vậy, sẽ vẫn còn những cán bộ lãnh dạo bằng rởm.