Bộ Lao động nói gì sau vụ xâm hại trẻ tại trung tâm bảo trợ?

(PLVN) - Thời gian qua, tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại,… diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, một số trẻ bị xâm hại trong chính trường học, cơ sở bảo trợ xã hội bởi những cán bộ đang trực tiếp chăm sóc, quản lý… Dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng hiện tượng trên cũng khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng một số nhân sự đang làm việc tại các cơ sở này không được chọn lọc kỹ?  
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH).
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH).

Rà soát nhân sự các trung tâm

Trả lời thắc mắc này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - LĐTB&XH) cho biết: “Đây là việc đáng tiếc. Vậy chúng ta phải rà soát lại hệ thống để tăng cường tính phòng ngừa”.

Theo ông Nam, hiện Bộ đang yêu cầu trước hết hệ thống các cơ sở dịch vụ, cơ sở bảo trợ phải rà soát lại toàn bộ nhân sự, đặc biệt những người làm việc với trẻ em. Rà soát từ lý lịch, năng lực đến đạo đức. Tiếp đến là tăng cường tập huấn nhận thức về quyền trẻ em, kỹ năng làm việc với trẻ.  

Vẫn theo ông Nam, nhiều địa phương có các trung tâm bảo trợ xã hội hỗn hợp chăm sóc nhiều đối tượng khác nhau như: người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi… Bên cạnh đó cũng có các trung tâm chỉ dành riêng cho trẻ em. Nguy cơ (bạo hành, lạm dụng, xâm hại…) ở những trung tâm chăm sóc nhiều đối tượng cao hơn ở trung tâm chỉ chăm sóc trẻ bởi cán bộ, nhân viên ở đây được tập huấn, đào tạo kỹ hơn. 

“Nhìn chung, theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng thì tất cả các trung tâm này đều phải rà soát lại… Bộ cũng khuyến nghị không chỉ trong các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc sự quản lý của Bộ và của ngành lao động các cấp; mà kể cả trong các cơ sở khác, như chăm sóc sức khỏe, cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa - thể dục thể thao… cũng phải rà soát lại. Cứ ở đâu cung cấp dịch vụ cho trẻ và làm việc trực tiếp với trẻ thì đều có nguy cơ”, ông Nam nói.

Ông Nam cũng cho biết: “Dù không quy định “cứng” trong các văn bản pháp luật nhưng tại các văn bản hướng dẫn về triển khai công tác bảo vệ trẻ em, chúng tôi đều khuyến nghị không sử dụng những người đã từng bị xử lý hành chính, có tiền án, tiền sự về hành vi xâm hại trẻ, bạo lực trẻ hoặc bạo lực gia đình. Để đảm bảo an toàn cho trẻ thì kể cả trường hợp đã xóa án tích chúng tôi cũng không khuyến khích sử dụng những người đó làm những việc trực tiếp hoặc tiếp xúc với trẻ”. 

Có cần lập lực lượng cảnh sát bảo vệ trẻ em?

Liên quan đến kiến nghị của TP HCM mới đây về việc thành lập lực lượng cảnh sát chuyên bảo vệ trẻ em, ông Nam cho rằng đây là đề xuất đáng hoan nghênh, vì TP HCM là địa bàn khá phức tạp, đã xảy ra một số vụ xâm hại trẻ gây bức xúc dư luận.

Cảnh sát đến Trung tâm hỗ trợ xã hội (Sở LĐTB&XH TP HCM) điều tra nghi án một số bé gái bị nam nhân viên đơn vị này xâm hại.
 Cảnh sát đến Trung tâm hỗ trợ xã hội (Sở LĐTB&XH TP HCM) điều tra nghi án một số bé gái bị nam nhân viên đơn vị này xâm hại.

“Trong quy định pháp luật tố tụng hình sự cũng yêu cầu toàn bộ người tham gia tố tụng, từ cán bộ điều tra cho đến cán bộ VKS, tòa án làm công tác xét xử phải có những hiểu biết về giáo dục học, tâm lý trẻ, quyền trẻ em. Ở những địa bàn phức tạp, có những đội chuyên trách như vậy cũng tốt. Đó là sáng kiến hay của TP HCM và Bộ LĐTB&XH ủng hộ”, ông Nam nói.

Dẫn chứng nhiều mô hình bảo vệ trẻ em đã được triển khai và áp dụng hiệu quả trên thế giới, ông Nam giải thích thêm: Nhiều quốc gia có hai mô hình, một là mô hình đội cảnh sát chuyên biệt, hai là trong lực lượng cảnh sát điều tra có các nhân viên công tác xã hội và những cảnh sát đào tạo chuyên sâu về bảo vệ trẻ.

Chúng ta có thể tồn tại hai mô hình này, ở địa bàn phức tạp như TP HCM có thể có mô hình cảnh sát chuyên biệt, còn các địa phương khác thì tăng cường những người được tập huấn, đào tạo về các kỹ năng, kiến thức và nghiệp vụ về trẻ trong lực lượng bảo vệ pháp luật. 

Bày tỏ sự ủng hộ với kiến nghị trên, nhưng bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Chúng tôi ủng hộ mô hình này và còn rất nhiều mô hình khác nữa. Song để hiệu quả và bảo đảm bền vững thì bộ máy này phải được đầu tư bài bản”.

Bà Minh cũng nhấn mạnh đến nhiều mô hình bảo vệ trẻ em khác theo kiểu “cánh tay nối dài” từ Trung ương đến tận thôn, bản. Quan trọng là những cán bộ, nhân viên làm công tác bảo vệ trẻ phải hiểu trẻ. “Trên Trung ương thì có Ủy ban Quốc gia về trẻ em nhưng ở địa phương thì xuống cấp cơ sở phân công công việc thế nào để có thể gánh vác được hết 11 nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đây là vấn đề đặt ra”, bà Minh băn khoăn.

Nhiều ý kiến cho rằng, những việc làm trên là cần thiết nhưng chưa đủ. Bởi để bảo vệ trẻ em, trước hết phải trang bị cho các em những kỹ năng cơ bản (phù hợp với từng lứa tuổi) để các em có thể tự bảo vệ mình cũng như biết cách phản ứng trước nguy cơ bị bạo hành, xâm hại hoặc đã bị xâm hại (các em có thể nói chuyện với người thân, bạn bè hoặc cán bộ, nhân viên tại các cơ sở bảo trợ xã hội mà các em tin tưởng…).
Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát tại các cơ sở phải thường xuyên và thực chất. Không chỉ là kiểm tra việc chấp hành chế độ, chính sách và pháp luật liên quan đến quyền trẻ em mà phải tiếp cận, hỏi han trực tiếp các em, nhất là những em có biểu hiện nghi ngờ bị bạo hành, xâm hại, qua đó mới có đầy đủ những thông tin cần thiết, nhằm hạn chế tối đa những tổn thương gây ra cho các em.