Buổi học cuối cùng

(PLVN) - Buổi học đầu tiên trong năm học 2020- 2021 đã trở thành buổi học cuối cùng trong đời 3 em học sinh vùng cao Lào Cai.
Hiện trường vụ tai nạn đau lòng ở phân hiệu Bản Phung, Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
Hiện trường vụ tai nạn đau lòng ở phân hiệu Bản Phung, Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

13h15 ngày 7/9, cổng phân hiệu Bản Phung, Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn bất ngờ đổ sập, đè chết ba học sinh và làm bị thương ba em khác.

Phân hiệu Bản Phung là nơi học tập của học sinh mầm non và tiểu học tại xã Khánh Yên Thượng. Tai nạn xảy ra vào ngày đầu tiên học sinh lớp 1 đi học, sau khai giảng vào sáng 5/9. Phân hiệu Bản Phung nằm trên đồi, cao hơn mặt đường chính khoảng 2m. Cổng đặt ở lưng chừng triền dốc từ sân trường xuống đường chính. Tại hiện trường, một trụ gạch đổ, gãy làm đôi. Một cánh cổng sắt cao 2m, có chắn song đổ xuống đất. Thời điểm xảy ra tai nạn, trời không mưa. Nhưng từ đêm trước đó đến trưa 7/9, địa bàn mưa lớn do ảnh hưởng của rãnh áp thấp và hội tụ gió trên cao.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết trong ba học sinh tử vong có một cháu 4 tuổi, hai cháu lớp Một (6 tuổi). Hai cháu lớp Một đến trường học buổi chiều, bắt đầu lúc 14h. "Khi chưa vào học, không may cổng trường sập, đè lên ba cháu. Cả ba tử vong tại chỗ", ông Thắng nói. Tai nạn còn khiến ba em, tuổi 4-6, bị thương, được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Nhiều người cho hay ngoài cảm giác đau buồn, rất khó tường minh phân định khi nghĩ về tai nạn đau lòng này. Mỗi tai nạn đều có một địa chỉ chịu trách nhiệm, nhưng rất khó “lên án” cụ thể một ai đó trong vụ này. Sự cố xảy ra ở một địa phương vùng cao, nơi số người dân nghèo còn không ít, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nơi ngành giáo dục địa phương có đặc trưng là gồm nhiều điểm trường. Không thể có đủ tiền cùng một lúc để kiên cố hóa hàng ngàn điểm trường xa xôi nơi rừng sâu núi đỏ, lại thêm thời tiết thất thường sớm nắng chiều mưa, nên mái trường đã hàng chục năm “dầm mưa dãi nắng”, hóa tử thần ập xuống đầu những đứa trẻ.

Thế nhưng nhìn ở một góc độ khác, lại nảy sinh một câu hỏi nhức nhối: Chẳng lẽ những đứa trẻ vùng sâu, vùng xa phải chịu cảnh mỗi ngày đến trường là một lần đánh cược với số phận như vậy? Nên nhớ cũng tại Lào Cai, hồi tháng 3/2018, một vụ tai nạn sập cổng trường tại phân hiệu Mã Ngan, Trường Tiểu học Thị trấn Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng) cũng khiến 1 học sinh tử vong và 1 học sinh bị thương nặng.

Những tai nạn đau lòng liên tiếp xảy ra này đặt ra vấn đề Trung ương cần chăm lo hơn đến những địa bàn khó khăn. Bất kỳ người dân nào có điều kiện và quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, cũng nên cùng chung tay “góp gió thành bão” để những vùng sâu, vùng xa có thêm nhiều ngôi trường kiên cố theo hình thức xã hội hóa.

Và một điều nữa quan trọng không kém. Tại chính Lào Cai, địa phương này cũng nên đặt mục tiêu xóa trường tạm công trình xuống cấp là mục tiêu quan trọng như chất lượng dạy và học. Trên một trang mạng mới đây, địa phương này được viết là “Lào Cai tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu trong 15 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc về phong trào giáo dục và được Bộ GD&ĐT công nhận là điển hình tiên tiến về giáo dục vùng cao, địa phương thí điểm thực hiện đổi mới giáo dục”. Tất cả sẽ chỉ là vô nghĩa, nếu vẫn còn đó những tai nạn nhức nhối khi mái trường sập xuống cướp mạng những đứa trẻ vô tội.