Buồn thay cái thái độ!

(PLO) - Không ít lần, cứ báo chí phản ánh một vụ việc tiêu cực nào đó thì ngay lập tức, chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng ở đó phản ứng lại bằng cách viết công văn gửi cơ quan chủ quản hoặc quản lý báo chí cho rằng “viết sai sự thật”, yêu cầu “phải xử lý”.
Hình minh họa
Hình minh họa

Cách ứng xử này gây phản cảm và cả phản tác dụng nữa. Nó biểu hiện một thái độ thiếu cầu thị và vội vàng, mang tính cửa quyền và áp đặt. Bởi, lẽ ra phải trực tiếp làm việc với cơ quan báo chí để rõ ngọn ngành thì họ lại gửi đề nghị xử lý đến cấp trên của cơ quan báo chí, cách ứng xử này xem ra khá trịch thượng.

Còn nhớ, những phóng sự công phu về nạn phá rừng với đầy đủ các hình ảnh rừng tan hoang, cây đổ ngổn ngang và “lâm tặc” nghênh ngang, đủ sức thuyết phục đối với người đọc nhưng lại là sự chướng tai, gai mắt với những người có trách nhiệm. Họ phản ứng gay gắt, đòi “lột thẻ” phóng viên những cuối cùng, sự thật là sự thật, không thể chối cãi và họ cũng chẳng thấy bẽ mặt chút nào, không một lời xin lỗi cho động thái quy chụp vội vã của mình. Trường hợp này không phải là hy hữu, hiện tại, nó vẫn đang diễn ra.

Sự phản ứng từ chính quyền sở tại hay cơ quan chức năng đôi khi cũng mang lại “hiệu quả” khi cơ quan chủ quản hoặc quản lý cơ quan báo chí nghe theo và có phóng viên bị “treo bút”, có nhà báo bị tước thẻ hành nghề, có người bị kỷ luật, thậm chí có tờ báo bị đình bản nhưng sau đó khi mọi việc đã được làm sáng tỏ thì những nhà báo, phóng viên và tờ báo quả cảm đưa tin không hề được “phục hồi danh dự”. Ví dụ gần đây là trường hợp các báo đã đưa về số biển xe sang trùng nhau mà lãnh đạo TP sử dụng hay những vụ liên quan đến Vũ “nhôm” trước khi ông này bị bắt.

Về phía báo chí cũng không ít trường hợp đưa tin thiếu chính xác, vội vã hoặc chỉ nhìn từ một phía, thiếu khách quan và không đầy đủ. Tuy nhiên, để xin lỗi và cải chính thì không tương xứng với những gì đã “phê phán” trước đó. Có người được vinh danh là “người tử tế”, được ca ngợi nhưng khi người đó gặp hoạn nạn thì lại “đánh hội đồng” người ta, moi móc quá khứ của người ta. Sao cái lúc họ đang được dư luận chú ý, báo chí ca ngợi lại không đưa ra cảnh báo kịp thời về nhân thân không tốt của người đó? Cách hành xử này làm dư luận hoang mang, không biết thực hư, tốt xấu thế nào và ít nhiều làm ảnh hưởng đến uy tín của một tờ báo vốn dĩ tôn trọng sự thật và biểu dương sự tốt đẹp, phê phán đích đáng những tiêu cực xã hội.

Luật Báo chí đã có từ lâu song dường như người ta hành xử thiên về cách quản lý hành chính chứ không nhất thiết theo luật. Từ đó, mới nảy sinh ra cái thái độ ứng xử, tiếp thu và giải quyết vấn đề như đã dẫn ở trên.