Tại buổi giao lưu trực tuyến “Văn hoá công sở: Thực trạng và giải pháp” mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ:
Việc chấp hành các quy định của pháp luật, các nội quy, quy chế chính là những tiêu chí hàng đầu của văn hoá công sở. Việc chấp hành các quy định là căn cốt của văn hoá công sở, còn hiệu quả công việc là mục tiêu cuối cùng, mục đích cuối cùng của văn hoá công sở. Việc chúng ta coi đó là những tiêu chí hàng đầu dễ nhận được sự đồng tình và đó cũng là định hướng cho việc chúng triển khai văn hoá công sở.
Theo Điều 7 và Điều 8 Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định 552 ngày 25/01/2017 của UBND thành phố Hà Nội thì trong ứng xử với người dân tại nơi làm việc, CBCCVC, NLĐ phải: Giải quyết yêu cầu, công việc của người dân đúng quy định, quy trình; Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; Ưu tiên hỗ trợ giải quyết công việc với người già, yếu, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người đau ốm; Không sách nhiễu; Gợi ý đưa tiền, nhận tiền, quà biếu; Không hẹn gặp giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc; Không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân; Nghiêm túc nhận lỗi, nhận khuyết điểm, thành khẩn tự phê bình, rút kinh nghiệm khi để xảy ra sai sót.
Còn tại khu dân cư, CBCCVC, NLĐ phải: Vận động gia đình, người thân, những người xung quanh tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thực hiện pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội; Đồng thời, gương mẫu, tránh phô trương, lãng phí, mục đích trục lợi trong việc tổ chức các hoạt động liên hoan, cưới hỏi, tang lễ, mừng thọ, sinh nhật, tân gia...
Cùng với đó, tại nơi công cộng, CBCCVC, NLĐ phải: Gương mẫu chấp hành và vận động người dân thực hiện các nội quy, quy tắc nơi công cộng; Không vi phạm các chuẩn mực về thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc; Không tham gia, xúi giục; kích động hoặc bao che các hành vi vi phạm pháp luật của người khác.
Những quy tắc ứng xử với CBCCVC, NLĐ mà TP Hà Nội ban hành là hết sức toàn diện, không chỉ tại nơi làm việc mà còn tại nơi sinh sống, nơi công cộng. Văn hoá nơi công sở không chỉ thể hiện ở đạo đức, phẩm chất của CBCCVC trong khi thực thi nhiệm vụ mà còn thể hiện ở trình độ văn hoá, khả năng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người.
Bà Trần Thị Phương Lan – Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương:
Một công chức cũng như người giải quyết công việc nếu không có đạo đức thì dù năng lực tốt cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ, công chức có đạo đức nhưng năng lực kém thì cũng khó làm việc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta đã từng nói: “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có tài mà không có đức là người vô dụng”.
Do đó, xây dựng văn hoá công sở gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là phải tăng cường công tác giáo dục cho đội ngũ cán bộ, công chức, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực, luôn bám sát thực tiễn, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn; đồng thời tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng công tác, rèn luyện bản lĩnh và năng lực lãnh đạo, quản lý, khả năng hợp tác, tổ chức thực hiện và sự chịu trách nhiệm; kiên quyết và kiên trì trong cuộc đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái.
Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch:
Người lãnh đạo có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh tập thể trong nhận thức của dư luận và việc làm gương cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý. Trong mọi công việc, vai trò của người đứng đầu như thế nào thì trong việc thực hiện văn hóa công sở cũng như vậy. Người đứng đầu phải hết sức gương mẫu, nghiêm túc thực hiện văn hóa công sở thì sẽ thành công, cơ quan đó sẽ đi vào nền nếp.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam:
Để ném một cọng rác, một túi rác hay chửi tục một câu ở nơi công cộng chỉ mất 10 giây, nhưng để một người đi qua cúi xuống nhặt cọng rác, túi rác đó lên bỏ vào thùng rác hay để nở một nụ cười với người khác khi mắc lỗi hay nói lời cảm ơn hoặc xin lỗi phải mất 100 năm. 100 năm ở đây là thời gian ước lệ nói lên quá trình hình thành một hành vi văn hóa. Thời gian 100 năm ấy là gì? Đó là quá trình của giáo dục.
Bởi thế, mọi hành vi văn hóa đều bắt nguồn từ giáo dục. Phải giáo dục từ lúc còn bé, cho nên nhà trường, xã hội, công sở tạo nên một nền tảng văn hóa cơ bản nhất, nghĩa là con người đó phải chứa đựng vẻ đẹp và nhân tính thì sau đó người ta thực hiện những việc khác…
Chúng ta có những chuyên gia làm luật, những nhà nghiên cứu văn hóa, những nhà tổ chức xã hội đủ để soạn thảo ra một cách đầy đủ các bộ quy tắc và các chế tài đối với việc xây dựng đời sống văn hóa công sở. Nhưng những bộ quy tắc và các chế tài ấy sẽ không có hiệu quả khi ý thức văn hóa trong mỗi con người không có.
T.Dương (t/h)