Cần sự lên tiếng kịp thời

(PLO) - Pháp luật sinh ra là để bảo vệ quyền con người và thực hiện nguyên tắc “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải là ai ai cũng được đối xử theo nguyên tắc này. Vì vậy, rất cần đến các điều chỉnh, chỉ đạo, lên tiếng kịp thời để nguyên tắc này được tôn trọng triệt để.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Mới đây, có vụ kiện của một công dân đối với Công ty rao bán mặt hàng “sở hữu kỳ nghỉ” ra Tòa án thành phố Nha Trang. Tòa bắt bổ sung hồ sơ nhiều lần, Tòa cấp trên phải chỉ đạo và phải sau 10 tháng vất vả đi lại, khiếu nại thì vụ kiện của công dân này mới được thụ lý. Và, không chỉ một trường hợp kiện Công ty này với “sở hữu kỳ nghỉ”, các trường hợp khác cũng bị “hành” và chưa được thụ lý như pháp luật quy định.

Trong khi đó, Công ty bị khách hàng kiện này kiện một luật sư ra Tòa, cũng ở Nha Trang, vì cho rằng luật sư này đã “bêu xấu” mình, ảnh hưởng đến kinh doanh, đòi bồi thường hàng chục tỷ đồng thì Tòa án thụ lý ngay, mặc dù luật sư đã chỉ ra sự vô căn cứ, không đúng pháp luật của việc khởi kiện này. Rõ ràng không có một sự bình đẳng trước pháp luật ở đây.

Cũng là bị cáo đưa ra xét xử nhưng có người thì được xử ở nơi công đường, có người lại bị đưa về nơi cư trú trong “phiên tòa xét xử lưu động”. Cái “phiên tòa lưu động” đó được mở ra với mục đích giáo dục cộng đồng nhưng thực tế lại không như mong muốn, cái ác rùng rợn được phơi bày trước nhiều người và cũng có trường hợp bị cáo phạm tội nhẹ, đã ra sức khắc phục hậu quả, nay trước phiên tòa “bêu” mình ở trước bà con lối xóm nên tìm sự giải thoát bằng cách tự tử.

Có trường hợp bị cáo trẻ tuổi sau phiên tòa xét xử lưu động dù được hưởng án treo vẫn bỏ nhà “đi bụi”, trở thành dân “giang hồ tứ chiếng”. Chính vì vậy mà mới đây, ngành Tòa án có chủ trương báo cáo Quốc hội cho phép bỏ việc xét xử lưu động, vừa tốn kém mỗi năm hàng trăm tỷ, vừa không thu lại kết quả mong muốn, vừa để lại hệ lụy xấu nhưng lý do xác đáng nhất đó là sự bảo vệ nhân phẩm con người và thực hiện nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật.

Cái gì bất hợp lý, trái nguyên tắc thì cần hủy bỏ, loại trừ và không chỉ trong lĩnh vực pháp luật. Ví dụ như việc “phạt cho tồn tại” trong quản lý xây dựng đã gây ra một sự bất bình đẳng rất lớn khi một cái chuồng heo bị cưỡng chế đập phá còn cái nhà cao tầng sừng sững cả về quy mô kiến trúc lẫn vi phạm thì chẳng hề hấn gì. 

Muốn xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật thì trước hết phải tạo ra được sự bình đẳng trước pháp luật của mỗi con người, trong từng trường hợp cụ thể.