Cắt cử dân phòng bảo vệ cô giáo 'viết đơn xin xã hội đen được đi dạy học'

(PLO) -Vụ cô giáo “viết đơn xin xã hội đen được đi dạy học” ở quận Bình Tân (TP HCM) đã được chính quyền sở tại “để mắt” đến.
Nhà cửa bị bôi bẩn của cô giáo ở TP HCM đã được sơn lại
Nhà cửa bị bôi bẩn của cô giáo ở TP HCM đã được sơn lại

Nhà cửa bị bôi bẩn đã được sơn lại, cắt cử dân phòng bảo vệ, cho xe đi đón gia đình cô giáo trở về,... Chắc hẳn, bọn xã hội đen đòi nợ thuê sẽ không lai vãng nữa và cô giáo có thể yên ổn đi dạy học. Đó là việc chính quyền nên làm và phải làm để duy trì trật tự xã hội và hơn cả, không “sợ” những thế lực hắc ám.

Việc lớn hơn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra và khởi tố vụ chủ đầu tư chung cư giữ hàng chục tỷ quỹ bảo trì trong nhiều năm không trả cho Ban Quản lý để sử dụng vào mục đích ban đầu. Đây là động thái quyết liệt nhằm vào giới chủ đầu tư địa ốc không thực hiện đúng cam kết với khách hàng xảy ra khá phổ biến, nhiều quyền lợi của người mua nhà bị “bỏ rơi”. Điều lớn hơn cả ở các vụ việc trên thu được là những người dân cảm thấy mình được bảo vệ.

Bên cạnh đó, các vụ việc khuất tất mà báo chí phản ảnh đã có những động thái phản ứng tích cực từ chính quyền hoặc cơ quan chức năng. Từ một con mương cạnh trường học bị ô nhiễm đến sự hoành hành của “xã hội đen”, mới đây nhất là con đường cao tốc nghìn tỷ mới sử dụng bị hư hại đã có ngay những biện pháp chấn chỉnh và quy trách nhiệm cụ thể nhằm khắc phục sự cố này. Trước đây, người dân địa phương đã phát hiện những chi tiết không đảm bảo chất lượng kỹ thuật nhưng chẳng ai nghe họ cả. Tương tự, có những con đường bị ai đó cố tình hủy hoại, đổ hóa chất xuống mặt nhựa rồi cũng bị bỏ qua. 

Song, còn không ít các trường hợp mà sự chậm trễ vào cuộc của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khiến các hậu quả đáng tiếc xảy ra. 10 năm trước vợ chồng chủ gỗ mua gỗ sưa 21 tỷ đồng, giấy tờ đầy đủ nhưng ra khỏi làng thì bị Công an huyện Chương Mỹ bắt giữ. Gỗ đó đã bán đấu giá được 31 tỷ đồng nhưng số tiền 21 tỷ đồng của người mua gỗ đến bây giờ không hiểu lý do gì mà không trả lại cho người ta khiến họ lâm vào cảnh khốn cùng.

Ở Đắk Lắk, có kẻ giết người đến 2 lần nhưng vẫn thoát tội do có Giấy chứng nhận tâm thần, lần thứ ba nổ súng và đánh gây tử vong cho nạn nhân nhưng phiên xét xử vừa qua vẫn chưa bị buộc tội và được cho đi chữa bệnh. Một người tâm thần mà vẫn lái xe ô tô đi chơi, tàng trữ vũ khí trái phép, tung tẩy ngoài xã hội thì thật vô lý đến nguy hiểm. Vừa qua, VKSNDTC có kiểm tra và phát hiện nhiều sai sót trong tố tụng của cấp dưới tại vụ án này.

Người dân trông cậy vào sự bảo vệ của chính quyền song không phải lúc nào và bất cứ ai cũng được đáp ứng kịp thời. Họ tin tưởng vào pháp luật, tìm sự bảo vệ và công bằng ở đó. Nếu không làm được điều này có nghĩa là tạo “đất sống” cho “xã hội đen”.