Câu hỏi về đạo đức

(PLVN) - Sáng 13/11, TAND thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) đưa ra xét xử bị cáo Ngô Bá Khá (tức Khá “Bảnh”) cùng đồng phạm về tội “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc”. Tòa sơ thẩm tuyên phạt Khá “Bảnh” 10 năm 6 tháng tù giam. Xung quanh vụ án này chỉ xin lạm bàn về khía cạnh đạo đức của giới trẻ. Khá “Bảnh” là một tấm gương xấu của “lệch chuẩn” về đạo đức của giới trẻ.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Phải nói rằng, đạo đức xã hội, trong đó có đạo đức trong lớp trẻ đã và đang báo động đến mức nguy hiểm. Cuộc sống đã và đang diễn ra khó lường. Hình ảnh một người cha từ bỏ công việc lái xe đường dài, chọn việc chạy Grab để hàng ngày hai buổi đưa đón con được tới trường. Một người mẹ vừa dạy học, vừa quản lý quán cafe, về nhà vừa bước lên cầu thang là cầm khăn lau bụi, ủi đồ.

Đó là những bài học không lời về sự tận tụy, yêu thương, nỗ lực không ngừng mà những đứa trẻ sẽ được thấy hàng ngày. Tuy nhiên, tấm gương xấu của bố mẹ và người lớn cũng vô vàn.

Trong thời đại mạng internet, không ít thông tin bạo lực, sự ngông cuồng lan truyền nhanh hơn bên cạnh những bài học có giá trị. Xã hội có nhiều biểu hiện đáng lo cho việc định hình nhân cách, khi những giá trị cơ bản tốt - xấu, thiện - ác bị xóa mờ lằn ranh, khi con người ít được trải nghiệm niềm vui, sự tuyệt vời bao la của việc làm điều tốt, bất lực hay thậm chí mất khả năng chế ngự cảm xúc cũng như nhận thức về giới hạn của bạo lực. 

Khi giả dối, ác độc, tranh đấu lên ngôi, chủ nghĩa vật chất được đẩy lên làm xu hướng chủ đạo, dẫn dắt con người rời xa các giá trị tinh thần mang tính dưỡng dục hành vi. Lợi ích, bao gồm cả nghĩa thỏa mãn về tinh thần, trở thành thước đo để xác lập hành vi thì nguy hiểm đã cận kề.

Sự “lệch chuẩn” trong lớp trẻ ngày càng báo động. Tại sao? Câu trả lời không phải dành cho lớp trẻ. Nếu biết suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy, trong đó có cả trách nhiệm của người lớn.