Cây phượng không có lỗi!

(PLVN) - Nhiều cây phượng nói riêng, cây xanh nói chung đã ngã xuống dưới lưỡi cưa trong những ngày gần đây sau tai nạn đáng tiếc xảy ra ở TP HCM. Vấn đề ở chỗ những cây phượng ngã xuống như thể chúng phải chịu hết trách nhiệm.
Cây phượng bị bật gốc trong sân trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP HCM)
Cây phượng bị bật gốc trong sân trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP HCM)

Lỗi do cây?

Như những năm trước, đây là thời gian cây phượng vĩ gắn liền với những kí ức học trò, với những cuộc chia tay vui có, buồn có. Thế nhưng mùa phượng vĩ năm nay, chưa bao giờ buồn đến thế. Không riêng gì phượng, cây xanh trong nhiều trường học cũng phải đối mặt với việc bị bật gốc mà vô tình gây tai nạn thương tâm, rồi bị niêm phong, tỉa đến trơ trọi và thậm chí là đốn hạ.

Bởi lẽ, các sự cố cây phượng vĩ gãy đổ xảy ra liên tiếp những ngày qua gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tạo tâm lý bất an cho người dân.

Trước đó, sáng 26/5, cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP HCM bật gốc đè 18 học sinh, khiến 17 em bị thương nặng và một em tử vong. Thật đáng buồn, khi cây phượng mà hàng ngày từng gắn bó với các em giờ đây kèm theo là nỗi buồn, sự ám ảnh, khi mà các em chứng kiến những người bạn của mình bị tai nạn.

Được biết, cây phượng bị bật gốc được trồng từ năm 1996, bên ngoài còn tươi tốt, lá xanh. Thầy Hiệu trưởng của trường cũng đã nhận trách nhiệm về mình. Hai ngày sau, Trường THCS Bạch Đằng cho chặt cây phượng rỗng ruột, mục rễ còn lại. 

Tiếp đó, là một cây phượng khác đổ trong Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk hôm 28/5. Theo ghi nhận tại hiện trường, cây phượng bị bật gốc trong sân trường tại Bình Dương có chiều cao khoảng 15m, đường kính 0,5 - 1m. Phượng bị bật gốc giữa khu vực sân chơi của học sinh. Rất may mắn là cây phượng bị bật gốc vào giữa trưa, khi học sinh đã tan ca nên không em nào bị nạn.

Rồi cây phượng đổ gần cổng trường tại cơ sở 2 của Trường Đại học Văn hóa TP HCM vào chiều tối 28/5 trong cơn mưa gió mạnh. Cây phượng vĩ cao hơn 10 mét, thân cây có đường kính chừng 40cm đã đè trúng chiếc xe tải đậu kế bên, làm hư hỏng nhẹ. May mắn là không có người qua lại nên không có người bị thương. 

Cùng ngày (28/5), cũng ghi nhận một cây phượng đổ tại Đắk Lắk. Theo ông Y Khoa Niê Kđăm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, một cây phượng cổ thụ bật gốc, ngã trong sân trường. Ông Y Khoa thông tin rất may thời điểm cây phượng ngã chưa có học sinh đến lớp nên không gây thiệt hại về người.

Ngày 29/5 lại một cây phượng 15 năm tuổi cao khoảng 10m bất ngờ bật gốc, ngã xuống sân Trường Tiểu học Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, Bình Dương, rất may không có thương vong. Và mới đây, vào chiều 30/5, cây phượng cao to trong khuôn viên Trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) bật gốc, may mắn xảy ra vào thứ bảy lúc học sinh nghỉ học…

Trước tình trạng cây phượng ngã đổ bật gốc liên tục trong nhiều ngày gần đây, nhiều trường học bắt đầu thi nhau chặt cây phượng và hình ảnh về một sân trường vắng bóng phượng vốn được coi là “ký ức học trò” sẽ không còn xa. Vậy nhưng lỗi có phải do cây không?

Kiểm định chất lượng cây xanh trước khi đốn hạ

Con người có quy luật “sinh – lão – bệnh – tử” và cây cối cũng vậy. Bất cứ cây nào cũng đều có những tuổi đời nhất định và mục ruỗng đi theo quy luật của tạo hoá. Như GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội từng bày tỏ: “Lỗi đâu phải do cây xanh, lỗi là do con người chăm sóc và “ép” cây phải theo cái đẹp của con người nghĩ ra”. 

Những sự mục ruỗng từ bên trong, những gốc rễ bị bó chặt, xén đứt của cây do thời gian hay do con người để lại và những tác động dưới sự quăng quật của mưa bão, tất cả là lẽ thường tình của phượng hay bất cứ cây gì. 

Với tốc độ đô thị hóa đang làm cho việc xây dựng nhà cửa, làm đường sá, vỉa hè, cầu cống… gia tăng từng ngày. Việc bê tông hóa phần lớn diện tích khiến cho những cây xanh không còn đất sống, thay vào đó chúng được cắt gọt rễ rồi vo tròn để vừa vặn, nằm trọn trong những bồn xi măng bé tí tẹo.

Đặc biệt, cây cối trồng trong khuôn viên trường, một cái cây ngã xuống ngoài “lỗi” của tuổi tác già nua còn có chút nào lỗi vô tâm của những người chỉ biết đến bóng mát mà không biết nhựa cây đã bao lần bị ngăn bởi xi măng của con người, khiến rễ cây nhanh bị thoái hóa hơn.

Thời gian qua, để một phần đảm bảo an toàn cho học sinh, một phần lo ngại trách nhiệm, nhiều trường học đã đưa cách “cư xử” không đẹp đối với cây xanh trong trường, đặc biệt là cây phượng. Tranh thủ hai ngày cuối tuần, nhiều trường học đã chặt bỏ hàng loạt cây phượng dù đang mùa hoa nở đẹp nhất và nhiều loại cây xanh khác cũng được cắt tỉa đến trơ cành.

Việc chặt bỏ, đốn hạ thì rất nhanh, nhưng trồng và chăm sóc cây xanh để cho bóng mát cho học sinh phải tốn thời gian dài, đặc biệt đang là mùa nắng nóng, học sinh cần hơn hết không gian, khoảng xanh để vui chơi.

Trước tình trạng trên, nhiều phụ huynh lo lắng cho ý kiến rằng, việc đảm bảo an toàn cho học sinh trong nhà trường là cần thiết, tuy nhiên phải xem xét tình trạng cây xanh như thế nào để tránh đốn bỏ hàng loạt mảng xanh trong trường. Các trường nên phối hợp với cơ quan chuyên môn để kiểm định chất lượng cây xanh trước khi đốn hạ, cắt tỉa.