Cha loay hoay giành quyền nuôi con ngoài giá thú

(PLO) - Để “rảnh tay” xuất ngoại lấy chồng khác, người mẹ này đã lén “bán” đứa con ngoài giá thú của mình cho người khác làm con nuôi. Ông bà ngoại và cha ruột đứa bé muốn đòi con, đòi cháu về nhưng đành bất lực vì không có giấy tờ gì để chứng minh, hơn nữa việc cho và nhận con nuôi đã có đầy đủ giấy tờ theo quy định. 
HÌnh minh họa
HÌnh minh họa
Mối tình chóng vánh
Nhà đông anh em lại ít ruộng đất, đi làm mướn quanh quẩn mãi cũng chán, Bân bèn rủ đám bạn cùng lứa ở xóm lên Khu công nghiệp Bình Dương làm công nhân. Cuộc sống nơi đất khách quê người thiếu thốn đủ bề khiến Bân chán nản, nhiều lần anh định bỏ về quê, nhưng rồi cũng đành cố trụ lại để kiếm miếng cơm. 
Đang buồn, hụt hẫng thì Bân gặp được Duyên là người cùng quê (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) làm nghề uốn tóc tại khu công nghiệp. Không lâu sau, họ thuê phòng trọ chung sống với nhau, hẹn ngày ra mắt hai bên nội ngoại. 
Rồi cơ may cũng đến khi công ty cho công nhân nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Bân dẫn bạn gái về nhà giới thiệu là vợ. Gia đình Bân cũng làm vài mâm cơm ra mắt họ hàng, bà con láng giềng để họ chính thức được nên duyên vợ chồng.   
Trong quá trình chung sống, năm 2009, vợ chồng Bân sinh một bé trai. Nhưng khi con được 6 tháng tuổi thì vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, Duyên đột ngột bỏ đi và không đoái hoài gì đến chồng con nữa. Thương cháu, mẹ của Duyên phải lặn lội lên Bình Dương để đưa cháu về quê nuôi nấng. Thời gian đầu, bé khóc ngặt vì thiếu sữa mẹ và ốm đau liên miên, nhưng rồi trong vòng tay yêu thương của ông bà ngoại, bé cũng lớn dần và đến nay cũng đã được 4 tuổi. 
Khó chứng minh quan hệ cha con
Bẵng đi một thời gian dài, một hôm Duyên đột ngột trở về nhà và xin phép cha mẹ được đón con đi chơi ít bữa, nhưng ông bà vẫn còn giận con gái vì tội bỏ rơi chồng con đi biệt tích nên không đồng ý. Sau vài hôm thuyết phục, thấy thằng bé cũng có vẻ như mến mẹ nó, ông bà động lòng đành chấp nhận cho Duyên được chở con đi chơi xa nhưng trong lòng vẫn lo sợ điều không hay xảy ra đối với cháu mình. 
Vài ngày trôi qua, nửa tháng, một tháng tháng trôi qua, mẹ con Duyên vẫn bặt vô âm tín, cha mẹ Duyên như ngồi trên đống lửa, lo lắng cho đứa cháu ngoại tội nghiệp của mình. Gọi điện thoại thì con tắt máy, hỏi thăm mãi mới biết Duyên đã đem con đi cho một gia đình hiếm muộn ở bên Đồng Tháp. 
Ngay sau khi biết tin, ông bà ngoại và cha đứa bé đã đến tận nơi xin được đón đứa bé về, nhưng gia đình này không chấp nhận. Họ chìa ra mảnh giấy nhận tiền bồi dưỡng 30 triệu đồng của Duyên, quyết định giao nhận con nuôi hợp lệ và còn cho biết thông tin, Duyên chuẩn bị xuất cảnh theo chồng sang Hàn Quốc .
Quá thất vọng, ông bà ngoại và cha cháu bé đành có đơn cầu cứu đến chính quyền địa phương thì nhận được câu trả lời: “Thủ tục giao nhận con nuôi hoàn toàn đầy đủ, đúng theo quy định của pháp luật; không có dấu hiệu của vụ mua bán trẻ em như gia đình đã tố cáo”. 
Ngược lại, họ còn bị chính quyền địa phương nơi cháu bé được nhận làm con nuôi nghi ngờ khi không đưa ra được bất kỳ giấy tờ nào chứng minh quan hệ huyết thống với cháu bé. Bân và Duyên không đăng ký kết hôn, trong khi đó đứa bé lại mang họ mẹ và không có sự hiện diện của Bân là cha đứa bé trong Giấy khai sinh của con. 
Để giành lại đứa bé hết mực yêu thương bấy lâu nay, cha mẹ Duyên và Bân phải làm gì và làm như thế nào khi cả bên “cho” con và bên nhận con nuôi đều không chịu hợp tác?
Luật gia Bùi Đức Độ, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang:
"Có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp việc xác định cha cho con "
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì: “Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng”, nên giữa anh Bân và chị Duyên không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Anh Bân không có cơ sở pháp lý nào chứng minh là cha của cháu bé nên chỉ cần sự đồng ý của chị Duyên - bên cho con nuôi- và bên nhận con nuôi là thủ tục được thiết lập. 
Tuy nhiên, cha mẹ cháu bé đã không có trách nhiệm và điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nên ông bà nội, ông bà ngoại phải có trách nhiệm nuôi dưỡng cháu; việc cho con nuôi đã vi phạm truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, có dấu hiệu không trung thực, kèm theo lợi ích vật chất nên đã vi phạm các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Nuôi con nuôi.
Trong trường hợp này, rất khó cho anh Bân khi làm thủ tục nhận con tại Ủy ban nhân dân cấp xã, vì để mẹ cháu bé đồng ý cho anh Bân nhận con là điều khó có thể xảy ra. Do vậy, anh Bân chỉ có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp việc xác định cha cho con theo thủ tục tố tụng dân sự. 
Sau khi có quyết định của Tòa án xác định là cha của cháu bé, anh Bân có quyền yêu cầu Tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi, Luật tố tụng dân sự và Luật hôn nhân và gia đình./.