Chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo, muộn còn hơn không

(PLO) - Thời gian gần đây, đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tích, các vụ bạo hành, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tinh thần trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, có trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, một số cơ sở giáo dục vi phạm rất nhiều các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ…
Chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo, muộn còn hơn không

Một vụ việc điển hình vi phạm đạo đức nhà giáo là vụ bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng và bà Nguyễn Thị Hương, Hiệu phó trường Tiểu học Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội.

Sáng qua 21/2, Hội đồng kỷ luật UBND quận Cầu Giấy đã có kết luận cách chức bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng và bà Nguyễn Thị Hương, Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên liên quan đến vụ tai nạn của cháu Trần Chí Kiên tại trường này. Lý do là bà Hương vi phạm nghĩa vụ của viên chức, không hoàn thành nhiệm vụ quản lý điều hành, không trung thực trong báo cáo vụ việc xảy ra tai nạn của học sinh tại trường; cố tình che giấu vi phạm gây khó khăn cho cơ quan điều tra; vi phạm rất nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề giáo viên, tạo dư luận xấu trong xã hội về đạo đức nghề nghiệp và hình ảnh người giáo viên Thủ đô nói chung và ngành giáo dục nói chung.

Nhân việc UBND quận Cầu Giấy triển khai quyết định hợp lòng phụ huynh học sinh nói riêng và dư luận xã hội nói chung, cũng phải hoan nghênh Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Không có sự ra tay kịp thời, quyết liệt của Chủ tịch Chung thì không hiểu câu chuyện sẽ tiếp tục bị “ném bùn sang ao” đến bao giờ. Bởi dư luận cho rằng bà Ngọc đã liên quan đến một số “bê bối” trước đây nhưng đều “thoát nạn” ngoạn mục nhờ sự “o bế”.

Chợt nhớ câu nói nổi tiếng của ông Đỗ Mười từ Đại hội VIII của Đảng khi ông ở cương vị Tổng Bí thư: “Ô dù là tội ác”. Đáng tiếc, “ô dù” tồn tại “thách thức với thời gian”, “nhóm lợi ích”, “chủ nghĩa thân hữu”, “chủ nghĩa hậu duệ”, đe dọa kỷ cương phép nước và sự tồn vong của chế độ.

Có lẽ nhận ra tình hình đã đến mức khó có thể chấp nhận, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký Chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục. Chỉ thị nêu rõ: “Các vụ việc trên đã ảnh hưởng không tốt đến an toàn tính mạng của học sinh; uy tín, danh dự của đội ngũ nhà giáo; an ninh, trật tự trường học và gây bức xúc trong xã hội”.

Nhằm bảo đảm an toàn trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, Bộ trưởng yêu cầu các Sở GD-ĐT, các đơn vị thuộc Bộ triển khai ngay việc tăng cường bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tập trung kiểm tra chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo. 

Đã muộn, nhưng còn hơn không nếu không “ra tay”.