Cháy nhà, mất bò

(PLO) - Chưa bao giờ những thành ngữ như “Cháy nhà ra mặt chuột”, “Mất bò mới lo làm chuồng” lại “ứng nghiệm” đến thế trong cuộc sống hiện tại.
Cháy nhà, mất bò

Cháy chung cư làm 13 người chết tại TP Hồ Chí Minh lộ diện ra những góc khuất chết người trong xây dựng và bảo đảm an toàn khi xảy ra sự cố. Rồi, ngay lập tức có những chủ trương, chỉ đạo rà soát, kiểm tra, tăng cường quản lý trong toàn quốc tại cái lĩnh vực từng bị coi nhẹ và coi thường này. Trước đây, khi vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội gây cái chết cũng là 13 người, đã từng dấy lên chuyện “chấn chỉnh, siết chặt” nhưng từ từ lại “buông lỏng”, “bỏ qua” và tất nhiên, tai họa lại tiếp tục tái diễn.

Tương tự, ở các lĩnh vực khác, ví dụ như có sự cố bạo hành trẻ em tại các cơ sở giữ trẻ hay trường mẫu giáo là lập tức có chủ trương tổng kiểm tra, rút giấy phép nếu không đủ tiêu chuẩn, kỷ luật cán bộ quản lý để xảy ra tình trạng đó. Thế mà, các cơ sở “chui” vẫn tồn tại và hoạt động, đến khi có sự cố chết người thì mới biết cơ sở đó hoạt động không phép. Người ta thường bỏ qua các cảnh báo về “những cái chết được báo trước” để rồi nhận lại những hậu quả hết sức nặng nề cho toàn xã hội chứ không riêng gia đình những người gặp nạn.

Do không lường trước hậu quả hoặc biết mà bỏ qua vì mục đích tư lợi “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” mà xảy ra tình trạng “mũi dại, lái chịu đòn”, “quýt làm, cam chịu”.

Tuần qua, xảy ra nhiều vụ biểu tình hoặc tụ tập đông người  như ở Tràng An (Ninh Bình), hàng trăm người dân kéo đến cổng vào bến đò tháo dỡ biển cấm của cơ quan chức năng dựng lên. Nguyên do là ông chủ doanh nghiệp tự ý xây công trình trong vùng lõi di tích, cơ quan chức năng phải đình chỉ hoạt động tham quan của du khách để kiểm tra.

Những công nhân của một nhà máy ở Đồng Nai đình công phản đối mức lương bất hợp lý, kéo ra đường làm tắc nghẽn giao thông trên quốc lộ 1K dẫn về TP Hồ Chí Minh. Tương tự, để phản đối một dự án Nhà máy Chế biến thủy sản, dân Phù Cát (Bình Định) chặn đường quốc lộ I, gây ách tắc, tê liệt giao thông.

Phản đối, gây áp lực để nguyện vọng chính đáng được giải quyết nhưng lại làm phiền toái đến những người không hề liên quan, thậm chí, làm tê liệt giao thông, cản trở các hoạt động sinh hoạt của nhiều người khác, điều này có thể chấp nhận được không?.

Nếu các cơ quan chức năng của Nhà nước làm tròn trách nhiệm của mình, chính quyền một số địa phương thực sự quan tâm đến cuộc sống người dân, mỗi cán bộ đều mẫn cán vì dân hẳn là sẽ không có chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” hoặc “quýt làm, cam chịu” như đã và đang xảy ra.