Chủ trương vì dân thì hợp lòng dân

(PLO) - Gần đây, một số chính sách trong dạng soạn thảo đưa ra nhưng vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình, đơn giản vì không xuất phát từ chủ trương “vì dân” mà ban hành chính sách. 

Thấy rõ nhất là việc đánh thuế tài sản với nhà ở giá trị 700 triệu đồng bị dư luận phản ứng dữ dội và lòng dân quả không yên.

Không chỉ là lo ngại cái tài sản cả đời ky cóp, vay mượn mới có, giờ phải đóng thuế hàng năm mà còn ở lý do trong tình trạng các “đại gia”, doanh nghiệp trốn thuế hàng nghìn tỷ đồng giờ chưa thu được, phải chăng ngành Thuế đã bỏ qua việc khó để làm một việc dễ dàng hơn nhiều là bổ vào đầu dân?

Đáng lo ngại nhất của việc này là gây nên bất công xã hội, “con voi đi lọt, con kiến chui không qua”. Dù giải thích theo cách nào đi chăng nữa thì đều không có sức thuyết phục đối với sắc thuế này. Đối với người dân lao động, đó thực sự là thuế chồng  thuế.

Tương tự, việc nâng tuổi về hưu cũng gây nên dư luận trái chiều. Nhiều ý kiến nói thẳng cái lý do nâng tuổi này là lo “vỡ quỹ bảo hiểm” cho dù các nhà chủ trương chính sách này bảo không phải thế. Hiện tại, còn rất nhiều doanh nghiệp không đóng bảo hiểm cho người lao động, hơn nữa, số tiền hàng nghìn tỷ mà ngành Bảo hiểm cho vay không đúng đối tượng thành nợ xấu khó đòi đã khiến rất nhiều người đóng bảo hiểm thất vọng với kiểu làm ăn này.

Ở ngành Thuế, có nhiều Chi cục Thuế thu không đủ để nuôi bộ máy đi thu, lại còn bổ sung thêm các sắc thuế nữa thì sự bất bình của những người đóng thuế là có cơ sở. Một đội quân Bảo hiểm hùng hậu, đầy đủ bộ máy mà vẫn để cho các doanh nghiệp không đóng bảo hiểm bắt buộc là sao? Phải đặt mình vào vị trí đông đảo của những người lao động, họ mong mỏi đến ngày về hưu và cầm cuốn sổ hưu như thế nào! Chỉ một bộ phận những người có quyền chức, bổng lộc thì mới muốn kéo dài “tuổi lao động” của mình mà thôi.

Đang có những nghịch lý rất lớn trong xã hội, đó là tình trạng một bộ phận cán bộ giàu lên nhanh chóng và không giấu giếm lối sống xa hoa của mình. Dân giàu thì nước mạnh nhưng quan giàu đồng nghĩa với việc ngân khố quốc gia cạn kiệt và đời sống của giới cần lao gặp khó khăn hơn. Tình trạng này đi ngược hẳn với mục tiêu của chế độ ta là “dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh”.

Không có gì qua được con mắt nhân dân. Nhỏ như chuyện một xã treo biển cấm quay phim chụp ảnh ở trụ sở UBND xã vì sợ người dân phản ảnh trên mạng xã hội cũng bị người dân sở tại phản ứng. Và, sự cấm cản này hoàn toàn trái luật, không hợp lòng dân, buộc phải tháo biển cấm thôi. Nghịch lý là chủ trương thì bảo dân giám sát nhưng làm mọi việc để sự giám sát đó thành vô hiệu, dẫn chứng đó để thấy người ta đã bỏ qua chủ trương “dân giàu, nước mạnh”, cũng như thực hành việc “ích nước, lợi dân” như thế nào!