Chứng minh tham nhũng

(PLVN) - Tham nhũng là hành vi trái pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn, là những hành vi không được thực hiện nhưng người có chức vụ, quyền hạn đã thực hiện để vụ lợi. Căn cứ Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự 2015 thì có 7 loại tội phạm về tham nhũng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời gian qua nhiều vụ án tham nhũng, là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước.

Nhiều vụ đại án tham nhũng đã được các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành điều tra truy tố, xét xử khẩn trương, kịp thời, nghiêm minh và đánh giá đúng bản chất tội phạm, xử lý về nhiều tội danh khác nhau; tạo bước đột phá mới trong công tác xử lý tham nhũng, khẳng định quyết tâm không bao che, nương nhẹ, “không có vùng cấm”.

Tuy nhiên, để chứng minh được tội phạm tham nhũng không hề dễ. “Một trong những nguyên nhân là do các tội phạm tham nhũng thường liên quan đến những người có chức vụ cao, có kiến thức pháp luật, có trình độ hiểu biết cao nên phương thức, thủ đoạn thực hiện phạm tội là rất tinh vi, đối tượng phạm tội thường che giấu, tẩu tán tài sản, chuyển hoá tài sản chiếm đoạt dưới nhiều hình thức, phương thức khác nhau”- Chánh án Nguyễn Hoà Bình lý giải.

Thực tế, công tác trinh sát nội bộ tìm ra chứng cứ để đấu tranh gặp nhiều khó khăn. Các vụ án lớn vừa qua, thường bắt đầu từ đơn thư khiếu nại, tố cáo, báo chí vào cuộc hoặc chuyển tiếp từ kết quả thanh tra, kiểm tra. Nhiều vụ án tham nhũng mới chỉ dừng lại ở việc xử lý các hành vi như thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính,… mà chưa làm rõ bản chất của những hành vi tham nhũng. Đây chính là điều cử tri chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, là điều dư luận băn khoăn.

Các vụ án tham nhũng có khối lượng hồ sơ rất lớn, việc thu thập tài liệu, chứng cứ mất nhiều thời gian; có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh dẫn đến việc điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ thường bị kéo dài; quan điểm đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật, xác định tội danh, diện đối tượng cần phải xử lý có ý kiến khác nhau. Thậm chí, một số đối tượng phạm tội chính, chiếm đoạt số tiền lớn của nhà nước bỏ trốn trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can đã gây ra khó khăn khi đánh giá chứng cứ, xác định tội danh và giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự, thu hồi tài sản.

Đáp ứng thực tiễn đấu tranh chống tham nhũng đòi hỏi phải tiếp tục bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật, đặc biệt là những vướng mắc trong định tội danh, xem xét giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự, thu hồi tài sản, giám định tài sản trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng,…

Đây chính là những yêu cầu lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.