Chuyện đau lòng từ vết sẹo chi chít trên người cậu bé làm thuê

(PLVN) - Đứa trẻ 14 tuổi từng làm việc tại “Quán bánh xèo Miền Trung” ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh được phát hiện trong tình trạng người chi chít  những vết sẹo.
Vết thương trên cơ thể của Đ.
Vết thương trên cơ thể của Đ.

Đứa trẻ vẫn đang điều trị vết thương ở Bệnh viện đa khoa huyện Yên Phong, sau hai ngày nhập viện. Trưa 23/11, em được mọi người cùng buồng bệnh “quyên góp” cho một suất cơm hộp. Em nói đã rất lâu mới được ăn “một bữa ngon”.

Em là con út trong gia đình có ba anh em, anh trai cả năm nay 18 tuổi. Học hết lớp 8, em nghỉ học ở nhà chăm bố. Bố bị bệnh, mẹ mất từ khi em chưa nhớ mặt mẹ, mới 5 tuổi.

Hai tháng trước, em lần đầu tiên “đi kiếm tiền” và được anh trai về quê Quảng Ngãi đón ra tỉnh Bắc Ninh, đưa đến làm việc ở quán bánh xèo trên. Em được giao làm bưng bê đồ ăn, rửa bát và thu dọn quán. Em cùng một nhân viên 21 tuổi ở tại quán, hàng ngày ăn cơm cùng nhà chủ.

Em kể sau những lần chửi mắng, từ cuối tháng 10 ông bà chủ liên tục đánh em ở phía sau quán. “Mỗi lần bực tức hoặc thấy em không làm được việc, bà chủ véo tai, tát vào mặt, đá vào người và dùng chày đập đá đánh vào đầu, lưng. Có lần em bị dùng cái cạo vảy cá đánh thẳng vào lưng nên đến giờ khắp lưng vẫn còn lỗ chỗ. Ông chủ cũng đánh nhưng không dùng hung khí”, em nói.

“Một tháng liên tiếp, ngày nào em cũng bị đánh. Em cũng không được ăn cơm như mọi khi mà chỉ hôm nào có bánh thừa của khách mới được ăn”, đứa trẻ bật khóc.

Trận đòn em nhớ nhất xảy ra tuần trước khi bị bà chủ “dùng dĩa nấu bánh xèo còn nóng nguyên đập thẳng vào cánh tay khiến bị phồng rộp, chảy máu”. Em khóc thét, van xin song bất thành.

17h ngày 21/11, nhân lúc gia chủ đi đón con, em trốn khỏi quán. Sau bốn tiếng dù không biết đường về nhà song cố đi thật xa quán, em gặp hai công nhân, được đưa về cho ăn uống, báo công an. Suốt hai tháng làm việc, em không được ra khỏi quán và cũng chưa được trả “một xu tiền lương”.

Chủ quán Nguyễn Thị Ánh Tuyết (SN 1986) đã lập tức bị tạm giữ để làm rõ hành vi hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS. Tuyết cho rằng do đứa trẻ “lười làm, chậm trễ, ở bẩn, nghi ăn cắp tiền” nên mới quát mắng, đánh đập để “dạy dỗ”.

Tuyết cho rằng ngày 21/11 phát hiện mất tiền nên nghi ngờ cháu bé ăn cắp, nên quát mắng, dọa nạt khiến cháu bé sợ hãi và bỏ trốn. Tuyết khai vợ chồng mình sau đó “có đi tìm cháu nhưng không thấy”.

Mỗi một vụ lao động trẻ em bị bạo hành được phát hiện, lại nhức nhối dư luận, nhức nhối tâm can mỗi người. Tại sao còn có đối tượng hành xử với người lao động như thời trung cổ? Tại sao việc "tày trời" ấy lại không được chính quyền địa phương, các nhân chứng, hay làng xóm phát hiện kịp thời?

Lời nói có thể không chính xác, nhưng những thương tích thì khó chối bỏ. Công việc điều tra vẫn đang được cơ quan tố tụng thực hiện và sẽ có những kết luận khách quan, chính xác nhất. Nhưng từ vết sẹo chi chít trên người đứa trẻ 14 tuổi, nhiều người tin rằng lời khai của em về việc bị vợ chồng chủ quán này tra tấn là có cơ sở; và vụ việc cần phải bị xử lý công tâm, nghiêm khắc để tránh lặp lại những chuyện đau lòng như trên.