Chuyển đổi vị trí

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa phát đi thông cáo báo chí kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN) quý I và kế hoạch công tác quý II năm 2021. Theo đó, đối với công tác PCTN, TTCP cho biết đã tập trung kiểm tra hơn ngàn cơ quan, tổ chức, đơn vị về thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động. Công bố, công khai theo quy định của pháp luật kết quả kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo và PCTN.
Chuyển đổi vị trí

Theo thông cáo báo chí này, TTCP sau khi kiểm tra hơn ngàn cơ quan, tổ chức, đơn vị đã kiến nghị chuyển đổi vị trí công tác hơn ngàn cán bộ, công chức, viên chức để PCTN.

Đúng là tham nhũng là “giặc nội xâm” thực sự. PCTN đã và đang được Đảng, Chính phủ quan tâm đặc biệt. Nhiệm kỳ 12 của Đảng, công tác này thu được nhiều kết quả dấu ấn, được cử tri cả nước ghi nhận. Điều quan trọng là củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào cuộc đấu tranh “cam go” PCTN.

Câu chuyện TTCP kiến nghị chuyển đổi vị trí công tác để PCTN làm nhiều người nhớ đến một trong những công tác cán bộ được thực hiện lâu nay là bố trí người đứng đầu không phải là người địa phương. Thực ra đây là giải pháp “kế thừa”. Từ trong lịch sử, các triều đình phong kiến Việt Nam đã thực hiện hoàn hảo việc này.

Gần như các Thành ủy, Tỉnh ủy nào cũng có báo cáo “hoành tráng” về kết quả của việc bố trí lãnh đạo không phải người địa phương. Theo dõi các bản “thành tích” thấy có những cái “được” rất quan trọng. Đó là, cán bộ lãnh đạo thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao không bị ràng buộc, không bị chi phối, không bị áp lực bởi các mối quan hệ thân tộc, bằng hữu; giải quyết công việc bảo đảm tính dân chủ, khách quan và công bằng. Trong quá trình điều hành, xử lý công việc tránh được tình trạng cục bộ khép kín, bè phái, quan liêu, trì trệ, bảo thủ, cảm tình, nể nang, né tránh; giải quyết công việc nhanh hơn, đặc biệt là giải quyết các vụ, việc tồn đọng, kéo dài. 

Đồng thời, giúp cho cán bộ phát huy được năng lực và sở trường công tác, đóng góp nhiều hơn vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; lựa chọn được cán bộ có trình độ, năng lực, có kinh nghiệm thực tiễn đã qua rèn luyện, thử thách để bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn. 

Trên thực tế, nhiều vấn đề không đơn giản. Để lên “chức vụ cao hơn” rất ít người dám quyết đoán, thường giữ cho được “tròn trĩnh”. Riêng về ý nghĩa PCTN lại càng “chưa chắc”. Bởi việc hình thành “nhóm lợi ích”, việc tổ chức “sân sau”, hoán đổi “thị phần” dự án cho nhau tinh vi và phức tạp. Hình thức “chuyển vị trí công tác”, “bố trí lãnh đạo không phải người địa phương”, trong nhiều trường hợp chỉ có ý nghĩa hình thức.

Cuộc đấu tranh PCTN “còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt và gian nan. Vừa qua mới là hạn chế, ngăn ngừa được một bước. Còn quyền, còn chức, còn tiền, nếu con người ta không tu dưỡng rèn luyện sẽ còn xảy ra”, như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. PCTN phải coi trọng giải pháp “phòng”. Muốn phòng phải công khai, minh bạch triệt để.