Chuyện vô lý ở Hội An

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Câu chuyện sai phạm “3 trong 1” trong sự việc liên quan ngôi nhà cổ là tài sản công tại số 75 Nguyễn Thái Học, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam; khiến nhiều người đặt vấn đề vì sao chính quyền địa phương lại “hiền” trước các sai phạm có tính chất ngang ngược, nghiêm trọng như vậy?
Ngôi nhà số 75 Nguyễn Thái Học,TP Hội An.
Ngôi nhà số 75 Nguyễn Thái Học,TP Hội An.

Ngôi nhà có diện tích 477m2 tại khu phố có vị trí đắc địa bậc nhất Hội An này được TP được bố trí cho Hội Liên hiệp Phụ nữ từ năm 2013, để làm dự án dạy nghề cho phụ nữ nghèo. Tuy nhiên, đơn vị này lại cho một DN thuê khai thác kinh doanh một cách trái phép. Đó là sai phạm lớp thứ nhất.

Về bản chất, giao kết trái pháp luật đó đã là hành vi “xẻ thịt” nguồn thu của Nhà nước. Rồi DN thuê nhà sau đó tự ý sửa chữa căn nhà, vi phạm Luật Di sản Văn hóa. Đó là sai phạm lớp thứ hai.

Khi phát hiện sai phạm này, thực hiện các quy định của Luật Quản lý Tài sản công, UBND tỉnh Quảng Nam và TP Hội An đã yêu cầu DN thuê trái phép tài sản “vừa công vừa cổ” này trả nhà. Nhưng đối tượng đang sử dụng tài sản công một cách không hợp pháp lại đòi Nhà nước bồi thường 25 tỷ đồng tiền “sửa chữa nhà cổ” mới trả tài sản. Đó là lớp sai phạm thứ ba.

Điều 6 Luật Quản lý Tài sản công có hiệu lực từ 1/1/2018 đã quy định rõ: “Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. Việc quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.

Thế nhưng, trong sự việc sai phạm nghiêm trọng này, quy định pháp luật như trên đã được chính quyền địa phương thực hiện ra sao? Để xử lý hậu quả vụ sai phạm này, chúng ta có đầy đủ quy định pháp luật, sao không lập tức cưỡng chế, thậm chí điều tra dấu hiệu vi phạm hình sự, thu hồi tài sản trả cho Nhà nước? Phải chăng chính quyền địa phương “hiền” trong xử lý sự việc này vì nguồn cơn sự việc đến từ hành vi sai phạm của Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương, tài sản được giao quản lý làm nơi “dự án dạy nghề cho phụ nữ nghèo” nhưng lại bị đơn vị này đem cho thuê và chưa rõ số tiền này chảy vào túi ai?

Trong bối cảnh hiện nay tại TP Hội An, thái độ quan điểm của chính quyền địa phương có dám xứ lý đúng pháp luật với sai phạm nêu trên hay không, là rất quan trọng. Theo số liệu do chính Hội An công bố, hiện TP quản lý khoảng 130 ngôi nhà công cho thuê. Trong đó, 94 nhà được người dân thuê ở và kinh doanh một phần, 32 ngôi nhà do các tổ chức, cá nhân thuê và chỉ có 6 căn nhà đã thu hồi khi hết hạn. Nói theo ngôn ngữ “mềm mại” trong báo cáo của địa phương là nhiều nhà vừa công vừa cổ “đã hết hạn hợp đồng và địa phương tiến hành thu hồi nhưng gặp nhiều khó khăn”.

Cần xứ lý nghiêm minh những sự việc sai phạm nổi cộm như tại số nhà 75 Nguyễn Thái Học, đừng để các đối tượng khinh nhờn luật pháp, khiến hàng trăm ngôi nhà công sản tiếp tục bị sử dụng trái phép, thất thoát nguồn thu Nhà nước. Hội An cần lập tức dùng các biện pháp luật định thu hồi các nhà công sản, lên kế hoạch đấu giá sử dụng các tài sản này đúng theo quy định. Luật pháp lĩnh vực này đã rất chi tiết, và Hội An từng được đánh giá là đã quản lý đô thị cổ di sản thế giới rất tốt, thì không có lý do gì mà không làm được điều này.