Con đường chia cắt tình anh em?

(PLO) -Anh em xưa nay ăn ở hòa thuận. Từ khi có con đường ngang qua thửa đất cha mẹ để lại, “xén” mất một phần nhà thờ, tình thân bắt đầu tan rã. Một bên muốn diện tích nhà thờ tự 64m2, bên kia chỉ đồng ý 54m2. Chênh lệch 10m2 nhưng khiến họ phải kéo nhau ra tòa giải quyết. 
Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi liên quan, nhiều người tóc đã bạc trắng
Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi liên quan, nhiều người tóc đã bạc trắng

Chưa kể khoản tiền bồi thường cũng khiến anh em hơn thua. Đến nỗi có người đã xanh cỏ, mà vẫn chưa thống nhất được cách chia chác.

Chỉ tại… con đường 

Ngôi nhà gắn liền quyền sử dụng đất diện tích 579 m2, tọa lạc ở phường An Hòa, TP Huế,tỉnh Thừa Thiên Huế là do cha mẹ nguyên đơn, bị đơn tạo lập trước năm 1930. Ngày trước, cha mẹ xây dựng trên đất một ngôi nhà ba gian và một ngôi nhà phụ để ở. Các anh chị em lập gia đình rồi ra riêng, chỉ có người em út ở chung với cha mẹ.

Năm 1976 mẹ chết, năm 1988 cha chết, đều không để lại di chúc. Để giữ tình đoàn kết trong gia đình, nên 8 anh em họp lại, thống nhất căn nhà ba gian của cha mẹ để lại dùng để thờ phụng, có diện tích 125m2. Diện tích đất còn lại, giao hết cho người em út.

Do nhà nước mở rộng đường, nên thu hồi 168m2 đất. Diện tích nhà thờ chỉ còn 54m2 với phần hiên trước bị “xén” mất, trong khi phía sau nhà thờ vẫn còn một khoảng đất trống. Anh chị yêu cầu em út cắt thêm 10m2 đất phía sau, nhằm chỉnh trang lại nhà thờ cho khang trang hơn để thờ phụng cha mẹ, nhưng người em (là bị đơn trong vụ án) không đồng ý. 

Tranh chấp ngày càng gay gắt hơn, khi người em đòi hưởng 70 triệu trong số tiền 96 triệu bồi thường ngôi nhà thờ, vì cho rằng mình đã 2 lần bỏ tiền ra sửa chữa trong quá trình sống ở ngôi nhà này. Số tiền 651 triệu bồi thường đất đai, người em cũng yêu cầu phải trích cho mình 20% gọi là “công sức tu bổ”.

Tòa sơ thẩm công nhận diện tích 64m2 và ngôi nhà ba gian nằm trên đất là tài sản chung của 8 anh em, được dùng làm nhà thờ. Số tiền 96 triệu, dùng để sửa chữa ngôi nhà thờ do bị giải tỏa, nên phải chia đều cho 8 người. Vì ngôi nhà là do cha mẹ tạo lập, bị đơn ở trong nhà, có sửa chữa nhưng là do tự nguyện, nên không thể xem xét công sức đóng góp.

Số tiền 651 triệu, tòa cũng quyết định chia đều cho 8 anh em. Theo tòa cấp sơ thẩm, vì  đất cha mẹ để lại, nhưng ngoài diện tích thờ tự, người em đã được quản lý, sử dụng hết, nên không thể xem xét thêm “công sức gìn giữ, tu bổ”. Không đồng ý với bản án của tòa sơ thẩm, người em kháng cáo lên cấp phúc thẩm. 

“Đất không nghe trời, trời cũng không nghe đất”

Phiên tòa hôm ấy do TAND tỉnh xét xử khá náo nhiệt. Những cụ ông tóc bạc trắng, tai điếc đặc do tuổi cao, có người phải chống gậy mới nhấc nổi chân, vẫn kéo đến tòa. Phía sau họ là lớp lớp con cháu. Một ông cụ thưa với tòa: “Cha mẹ để lại chẳng có gì, chỉ hơn 500 m2 đất xưa kia làng cấp cho. Anh em ngày trước sống rất hòa thuận. Chỉ vì con đường chạy ngang qua, mà tình thân cũng tan rã hết”.

8 anh em trong một gia đình, giờ chia thành 3 phe. Nguyên đơn 1 phe, gồm 5 anh em. Bị đơn 1 phe, gồm người em út. Hai người anh em khác hợp thành một “phe trung lập” là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, mà theo người cháu bảo, thì lúc nghiêng về “phe” bên này, lúc lại nghiêng về “phe” bên kia.

Một cụ ông ở “phe trung lập” trình bày với tòa, gia đình đã nhiều lần tổ chức họp, giải quyết nội bộ. Nhưng mỗi lần anh em, con cháu tụ họp lại, là gây gổ, đánh nhau. Mâu thuẫn không giải quyết được nên phải đưa nhau ra tòa:

“Đất của cha mẹ để lại cả. Anh chị em lớn lên, đều dựa vào thực tế cuộc sống mà phân chia đất đai. Không có ai tham lam gì ở đây. Nhưng vì lời nói tổn thương nhau, mất lòng nhau, nên mọi việc mới ra nông nỗi. Đất không nghe trời, thì trời phải nghe đất. Đằng này không ai chịu ai cả”. 

Nguyên đơn cũng bảo, chuyện nhà mà đưa nhau ra tòa, rất xấu hổ. Nhưng chẳng còn cách nào giải quyết, đành phải nhờ pháp luật xử lý.

Bị đơn khai, nhà cha mẹ trước kia để lại chỉ là nhà tranh vách đất. Ông đã hai lần sửa sang, dựng tường bê tông, lợp ngói, mới khang trang được như sau này. Tổng số tiền hai lần sửa chữa mất hơn 2 cây vàng, tương đương với 70 triệu hiện tại. Nên ông muốn được đòi lại số tiền này trong phần 96 triệu tiền bồi thường nhà. 

Trong lúc ông khai, mấy anh chị “phe” nguyên đơn liên tục “xùy”, “xùy”, “làm chi có”, “khai khống rứa mà được à”. Tòa hỏi “phe trung lập”. Hai ông lão tóc bạc trắng đều thừa nhận nhà cha mẹ xưa chỉ là nhà tranh vách đất, lâu năm nên hư hao hết. Hai ông công nhận, em trai có sửa chữa, xây tường, lợp ngói.

Một người “phe” nguyên đơn đứng bật dậy, xin tòa cho phát biểu ý kiến. Bà bảo nhà cha mẹ ngày trước đã xây tường bờ lô, có lợp ngói. “Cha mạ tui ngày trước không giàu nhất nhì ở địa phương, thì cũng xếp vào hàng thứ ba. Cha mạ tui dựng nhà dựng cửa đang hoàng cho cả đàn con ở, nhà xây bằng tường bơ lô, lợp ngói đàng hoàng. Mà giờ họ nói cha mạ tui nhà cửa chẳng ra chi, nên tui ấm ức lắm. Thấy cha mạ bị phụ bạc, nên thương”, bà nói. “Phe” nguyên đơn chỉ đồng ý bị đơn có thay các đòn tay trong nhà, số tiền chỉ khoảng 10 - 15 triệu đồng.

Nguyên đơn nghẹn ngào khóc trước tòa

Nguyên đơn tâm sự, diện tích nhà thờ ngày trước hơn 100m2. Con cháu hơn trăm người, kỵ giỗ tụ họp về còn không đủ chỗ ngồi. Còn bây giờ, mỗi lần kỵ giỗ, đừng nói là ngồi, đến đứng còn không có chỗ. “Bây giờ đi giỗ chạp, tụi tui chỉ đứng mà ăn, chứ đâu được ngồi ăn như trước, có khi còn phải đứng luôn ra ngoài đường, chứ nhà thờ bé bằng bàn tay, sao chứa hết”, một người nói. 

Người anh bảo, con đường chạy ngang phía trước, “ăn” mất cả mái hiên nhà thờ, nhìn rất nham nhở. Nên mấy anh em dự định, số tiền 96 triệu bồi thường tài sản, sẽ dùng vào việc sửa sang lại nhà thờ cho đàng hoàng, sửa sang mồ mả. “Nhà thờ để thờ tự cha mẹ mình chứ ai. Cúng thêm còn không hết, ai lại một hai đòi lấy tiền về làm của riêng”, người chị chép miệng.

Tòa hỏi bị đơn: “Nguyên đơn yêu cầu nhà thờ là 64m2 để thờ cha mẹ, tổ tiên, trong đó cũng có phần của ông. Ông có thể xem xét không?”. Nguyên đơn không đồng ý, bảo nếu cắt lui, sẽ đụng tường nhà ông. Khi đào bới để xây dựng nhà thờ, sợ đụng móng nhà ông, không may làm sập nhà lầu của ông thì nguy.

Rồi ông bảo, mình cũng muốn nhà thờ khang trang, rộng rãi, để thờ cha mẹ cho đàng hoàng. Đâu ai tiếc chi mấy mét đất. Nhưng mấy đứa cháu ăn nói hỗn quá. Ông uất ức, nên mới làm tới. Như thể nỗi ấm ức ấy quá lớn, bất chợt lại trào lên, khiến ông nghẹn giọng, bập bịu khóc. HĐXX phải mấy lần kêu ông giữ bình tĩnh.

Mấy anh chị lại nói, nếu cắt lui 10m, chỉ đụng tường nhà em trai, chứ không đập mất bức tường nhà ông này. Hơn nữa chẳng ai đào bới sâu bên dưới, làm sao sập nhà cho được. Nhà ở thành phố, người ta vẫn phải xây vách sát vách, nhưng có nhà nào sập đâu? Vợ bị đơn ngồi bên dưới cứ loi nhoi trên ghế ra chiều bực bội. Bà bảo cắt đất lui, bà phải dỡ đi căn nhà tạm, và còn một số công trình khác nữa, vậy sao được?

Nới rộng nhà thờ, chia đều tiền bồi thường

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn cho rằng, nhà thờ chỉ là nơi thờ tự, không phải nơi sinh hoạt thường ngày, không cần phải có diện tích lớn, chỉ đủ thờ là được. Vì vậy 54 m2 đất là hợp lý. Nếu cắt lui thêm 10m2, thì gia đình bị đơn có cả thảy 17 nhân khẩu, sẽ không đủ diện tích sinh hoạt.

Tại phiên phúc thẩm, bị đơn tiếp tục yêu cầu tòa xem xét để ông được hưởng 20% số tiền bồi thường, trước khi chia điều cho tất cả. Nhưng các anh chị của ông bảo không được. Đất cha mẹ để lại, họ không tranh chấp, để cho ông hết, nên tiền bồi thường, phải chia điều.

Người em út bảo, cha mẹ ngày trước tạo lập tất cả ba thửa, hai thửa kia cho hai người anh, còn ông sống chung với cha mẹ. Những người con khác không được cha mẹ cho đất, thì được nhà nước cấp mỗi người 1000m2 đấ. Ông có đất cha mẹ để lại, nên không được cấp đất nữa. Chẳng có gì khác nhau cả. Mấy chục năm nay ông ở đó, anh em chẳng ý kiến gì. Giờ nhà nước thu hồi đất, bồi thường 1 “cục” tiền, anh em lại xúm lại, đòi chia chác. Ông thở dài vẻ chán nản. 

Cũng vì chuyện tiền bạc, mà anh em, con cháu trong nhà mới xảy ra mâu thuẫn. Đỉnh điểm của xích mích là họ không nhìn mặt nhau. Một người cháu trong “phe” nguyên đơn tâm sự. Ngày trước, cha anh mới là người đứng đơn khởi kiện. Nhưng vụ kiện còn chưa kết thúc, ông đã qua đời, người chú ruột tiếp nối đi kiện tiếp. Nguyên do cũng vì những mâu thuẫn trên, nên ông buồn bực mà sinh bệnh. 

Mâu thuẫn gia đình căng thẳng đến độ, lúc cha anh nằm cấp cứu ở tầng 6 bệnh viện Trung ương Huế, suốt 2 tháng ròng rã, “phe” bị đơn và cả “phe trung lập” không ai đến thăm. Đến lúc ba anh mất, đám tang để mấy ngày, mà cả ba người chú ruột không ai qua viếng.

“Có lẽ người trong làng họ lời qua tiếng lại, chịu không nổi, nên ngày mai đưa tang, thì chiều hôm đó, cả ba người mới đến viếng, xin được để tang, nhưng tụi tui không đồng ý. Sáng hôm sau đã đưa tang rồi, thì giờ bịt khăn còn ý nghĩa chi”. 

Tòa bác đơn kháng cáo của bị đơn. Chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn. Tuyên diện tích nhà thờ là 64m2. Tổng số tiền bồi thường giải tỏa cả nhà lẫn đất là 747 triệu, phải chia đều cho 8 đồng thừa kế.